Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sống của mỗi người. Ảnh Internet
BS CKII Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Y học cổ truyền BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Giấc ngủ là khoảng thời gian mà hệ thống thần kinh cũng như những hoạt động vật lý đang diễn ra trong cơ thể chúng ta bị tạm ngừng một phần hoặc có thể là hoàn toàn. Không một ai có thể tồn tại nếu thiếu đi giấc ngủ.
Trong dịp Tết Nguyên đán, chúng ta đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, tài chính, sắm sửa chu toàn gia đình 2 bên nội ngoại. Những áp lực này có thể gián tiếp gây ra những ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là ở người trưởng thành.
Bên cạnh đó, những bữa tiệc, trò chơi xuyên đêm trong dịp tết cũng là nguyên nhân khiến chúng ta làm xáo trộn nhịp sinh học, gây rối loạn giấc ngủ làm cho ngủ không đủ giấc.
Việc rối loạn giấc ngủ liên tục sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí suy kiệt. Ảnh internet
Việc rối loạn giấc ngủ liên tục sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, lo âu, suy giảm trí nhớ, kém tập trung từ đó dễ kéo theo tâm lý sợ hãi, hoang mang, thậm chí suy kiệt, trầm cảm. Rối loạn giấc ngủ còn làm tăng nặng các bệnh mạn tính đang mắc phải như: bệnh động kinh, chứng đau nửa đầu, bệnh Parkinson…
Vui tết, chúng ta thường khó duy trì được chế độ ăn uống, ngủ nghỉ bình thường vì những bữa tiệc tất niên hay thăm họ hàng, bạn bè và những chuyến du xuân. Vì vậy, để có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn trong những ngày tết bận rộn, bạn cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi ngày.
Một giấc ngủ có chất lượng phải đảm bảo về mặt thời gian và cấu trúc của giấc ngủ. Ảnh internet
Một giấc ngủ có chất lượng phải đảm bảo về mặt thời gian và cấu trúc của giấc ngủ. Thời gian ngủ tùy thuộc vào từng lứa tuổi, người trưởng thành (độ tuổi từ 18 - 60), trung bình một người cần ngủ 7,5 giờ một ngày.
Về cấu trúc, giấc ngủ được chia làm 2 giai đoạn là ngủ lơ mơ và ngủ sâu. Thời gian của giai đoạn ngủ sâu càng kéo dài thì chất lượng giấc ngủ càng tốt. Tiến trình chu kỳ giấc ngủ là: ru ngủ - ngủ nông – ngủ sâu – rất sâu – ngủ mơ.
Giai đoạn ngủ mơ tương đối ngắn, trong khi giai đoạn ngủ sâu và ngủ rất sâu dài hơn. Càng gần về sáng, thời gian cho giai đoạn ngủ sâu và rất sâu giảm dần và được thế chỗ bởi giai đoạn ngủ mơ. Sự phân chia này có sự thay đổi theo độ tuổi, đặc điểm sinh lý của mỗi người.
Trước khi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm. Ảnh internet
Dưới các áp lực của dịp Tết Nguyên đán và nhịp sống sinh hoạt bị đảo lộn, chúng ta thường dễ lo lắng khiến giấc ngủ không sâu, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, dễ cáu gắt. Do vậy, để đảm bảo giấc ngủ trong dịp tết, nên cố gắng duy trì ăn uống và sinh hoạt đều đặn.
Về dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất, uống sữa nóng trước khi đi ngủ và hạn chế các chất kích thích như bia rượu, cà phê.
Về luyện tập, cố gắng duy trì tập thể dục mỗi ngày 10 – 15 phút, không nên tập luyện trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ. Nên thu xếp giấc ngủ tốt bằng cách bố trí phòng ngủ yên tĩnh, ánh sáng vừa phải và tạo thói quen đi ngủ, thức dậy vào một giờ cố định. Trước khi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm, không nên sử dụng điện thoại di động trong vòng 1 giờ trước khi ngủ.
Thấy thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh như điện thoại là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng giấc ngủ. Ảnh internet
Các nghiên cứu cho thấy thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh như: điện thoại, máy tính chính là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng tới hormone điều chỉnh giấc ngủ melatonin (hormone của tuyến tùng có tác dụng điều hòa nhịp ngày đêm).
Không nên xem các chương trình truyền hình hoặc bộ phim gây cảm giác sợ hãi. Không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ nên ngủ 15 – 20 phút để tránh mất ngủ vào ban đêm.
Một giấc ngủ ngon sẽ đảm bảo sức khỏe cho công việc và sinh hoạt hàng ngày. Ảnh internet
Nếu gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài, ngay cả khi đã qua các ngày tết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời để nhanh chóng lấy lại giấc ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe cho công việc, sinh hoạt hàng ngày.