Các cựu chuyên gia (từ trái sang phải): Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Thừa Việt, Nguyễn Văn Đệ cùng ôn lại những kỷ niệm ở đất bạn Lào.
“Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về giúp nước bạn Lào xây dựng vùng giải phóng, phát triển lực lượng cách mạng để tiếp tục tiến công địch, Hà Tĩnh (1 trong 5 tỉnh có chung đường biên giới với Lào) đã tổ chức đàm phán, ký kết hiệp định viện trợ giúp đỡ 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay. Cuối năm 1967, tỉnh ta bắt đầu điều động cán bộ, công nhân làm chuyên gia kèm theo hậu cần, máy móc, vật tư thiết bị kỹ thuật sang giúp 2 tỉnh bạn Lào. Từ đó đến năm 1976, có hơn 450 chuyên gia của tỉnh ta đã gắn bó, cống hiến, hy sinh, cùng bạn xây dựng chính quyền cách mạng” - ông Nguyễn Thừa Việt - nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Hà Tĩnh tại Bôlykhămxay (từ năm 1972-1976) kể.
Ông Nguyễn Văn Hoài - Tổ trưởng Tổ Giao thông đoàn chuyên gia Hà Tĩnh ở Khăm Muộn (từ năm 1968 - 1974) tiếp lời: “Giúp bạn toàn diện, liên tục, lâu dài” là hành trang tư tưởng và là mệnh lệnh trái tim để chúng tôi bắt đầu chặng đường đầy khó khăn, gian khổ. Thử thách đầu tiên là 7 ngày ròng rã đi bộ đến xã Hương Lâm (Hương Khê), vượt qua dãy núi Trìm Trẹo và 72 lần lội suối để đặt chân đến bản Maka, xã Tơơng, huyện Nakai, tỉnh Khăm Muộn. Sang đến đất bạn, đoàn chuyên gia chia thành từng nhóm lại ròng rã đường rừng cả tuần đến với từng thôn, bản cắm chốt tại từng địa bàn, dựa vào năng lực, sở trường của từng người để phân công kèm cặp, giúp đỡ từ cán bộ cao nhất của tỉnh bạn, huyện bạn cho đến lực lượng cán bộ xã, bản. Nông, công, thương; văn hóa, giáo dục, y tế, lĩnh vực nào cũng có chuyên gia Hà Tĩnh, “cầm tay chỉ việc” để giúp cán bộ 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay từng bước trưởng thành”.
Để vượt qua những bất đồng ngôn ngữ, làm quen với phong tục tập quán, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Lào, đội ngũ chuyên gia chúng ta đã nỗ lực rèn luyện, đồng cam cộng khổ cùng bạn, từng bước xây dựng, làm chủ chính quyền cách mạng. Theo ông Nguyễn Văn Đệ - chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp từ năm 1969-1974 tại tỉnh Khăm Muộn: “Mỗi vị trí, lĩnh vực công tác có những yêu cầu khác nhau, nhưng phương pháp chung đã được quán triệt và thực hiện đồng bộ đó là: Khi bạn chưa biết thì mình làm, khi bạn biết thì mình và bạn cùng làm, khi bạn làm được thì để bạn làm và mình hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ; và khi bạn thành thạo thì mình bàn giao để bạn tự lực làm. Xem việc giúp bạn như việc chính của mình, xem như làm cách mạng của mình trên nước bạn”.
Tùy vào yêu cầu của từng thời điểm mà ta bố trí lực lượng giúp bạn, lúc đầu chủ yếu là các chuyên gia chính trị để củng cố chính quyền, sau đó, tăng cường các chuyên gia kinh tế, văn hóa, y tế để giúp bạn phát triển vững mạnh những vùng giải phóng. Theo tổng hợp của Ban liên lạc cựu cán bộ chuyên gia Lào, trong 10 năm cùng ở, cùng làm với bạn, chúng ta đã giúp các địa phương kết nạp được 136 đảng viên, “xóa” được 6 bản “trắng” đảng viên; bồi dưỡng 54 cán bộ cốt cán cơ sở; đào tạo 426 cán bộ, công nhân các loại. Nhiều cơ sở của bạn đã trưởng thành, hoạt động khá, thu được ngân sách, vận động được nhân dân đi dân công, bộ đội, ổn định đời sống, xóa được nạn mù chữ, thiếu đói…
Về thăm lại các tỉnh bạn, ở đâu, đoàn chuyên gia Hà Tĩnh cũng được nhân dân Lào chào đón trang trọng, nồng ấm.
Giúp bạn trong điều kiện phải hoạt động bí mật, mọi sinh hoạt, hậu cần lương thực hết sức thiếu thốn; sốt rét rừng thì không trừ một ai. Nhưng tất cả rồi cũng vượt qua. “Duy có nỗi đau mất đồng đội trong những đợt phục kích của địch là không thể nguôi ngoai. Suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên chuyến đi cơ sở giúp xã Thà Phay Bản - huyện Nakai (Khăm Muộn) vào ngày 25/5/1968. Đoàn có khoảng 7-8 người chia làm 3 tốp đang trên đường băng qua rừng thông thì bị bọn phỉ phục kích bằng mìn định hướng. 3 cán bộ thuộc tốp giữa là anh Lài, Trọng, Mai bị trúng bom và hy sinh. Đoàn chúng tôi lúc đó mỗi người một đường thoát hiểm rồi tập trung về huyện. Sáng hôm sau, mới cùng với lực lượng bộ đội của bạn trở lại rừng thông tìm thi thể và chôn cất đồng đội” - ông Hoài đau xót kể. Ông Đệ chùng giọng tiếp lời: Trong gần 10 năm cống hiến ở nước bạn, có 10 chuyên gia tỉnh ta đã hy sinh, trong đó có 2 người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ.
Lật dòng hồi ức cũ sang câu chuyện thời bình với những chuyến trở về thăm vùng cách mạng Lào, các cựu chuyên gia xúc động kể cho chúng tôi nghe những tình cảm sắt son, ân tình mà nhân dân các bộ tộc Lào dành cho họ: “Đi đến đâu, chúng tôi cũng được bà con dân bản từ già, trẻ, gái, trai, cầm cờ Lào, cờ Việt Nam và những bó hoa tươi thắm chào đón, rồi tổ chức giao lưu, buộc chỉ cổ tay, múa lăm vông...
Một mẹ già 87 tuổi nói: “Có bộ đội Việt Nam, có các con dân bản mới có ngày như hôm nay”. Đồng chí Kong Kẹo Xay Xống Kham - Ủy viên BCH Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Bôlykhămxay trong bữa tiệc đón đoàn đã tâm tình: “Hôm nay, Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh tổ chức bữa cơm rất thân mật để đón các bác, các chú, các thím là những người thân lâu ngày trở về nhà”. Còn bà Khăm Xón - lão thành cách mạng đã bước qua tuổi 90, nguyên là Tỉnh đội trưởng tỉnh Khăm Muộn thì tiễn chúng tôi bằng những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, thật thắm thiết và nói: “Khọp chay Việt Nam lái lái”, “xa mắc khi, xa mắc khi mặn nhưn” (cảm ơn Việt Nam, đoàn kết, đoàn kết mãi mãi).