Chuyện nghề “bắt bệnh ông trời”…

(Baohatinh.vn) - Đo mưa, trắc tính gió, đo lưu lượng nước sông…, người ta bảo nghề khí tượng - thủy văn là nghề “bắt bệnh ông trời” cũng chẳng sai. Lặng lẽ, cần mẫn, thậm chí có lúc đến nhàm chán, nhưng đằng sau công việc tưởng chừng đơn giản này là sự hi sinh, tận tụy và có cả sự hiểm nguy…

Lặng lẽ nghề hứng gió, đo mưa…

Cứ đúng khung giờ đã điểm, chị Võ Thị Oanh, Trạm Thủy văn Thạch Đồng (Đài Khí tượng - thủy văn Hà Tĩnh) lại chuẩn bị dụng cụ bắt đầu ca đo mới. Công việc lặp đi lặp lại, dùng thước đo mực nước trên tuyến cọc, kiểm tra nhiệt độ nước sông, tiếp đến, đo mưa… Tất cả được ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ, chị lại trở về đài quan trắc đối chiếu số liệu thực tế với máy đo tự động bằng những mã thuật riêng và chuyển thông tin về Đài Đài Khí tượng - thủy văn tỉnh.

chuyen nghe bat benh ong troi

Mỗi ngày 4 lần, chị Oanh lại "làm bạn" với dụng cụ quan trắc số liệu thủy văn

“Ngày trước, khi chưa được trang bị máy móc thì tất cả phải đo tay, trực 24/24h. Còn bây giờ, ở trạm mỗi ngày 4 ốp (4 lần quan trắc) vào 1h- 7h- 13h- 19h, chúng tôi quan trắc trên hệ thống cọc và đối chiếu máy gửi về trung tâm. Công việc không quá phức tạp nhưng bắt buộc phải đúng giờ đến từng giây và không có ngày nghỉ nào cả”, chị Võ Thị Oanh chia sẻ.

Trạm quan trắc này được biên chế hai cán bộ, thay nhau trực. Thế nhưng, cách đây không lâu, một người chẳng may gặp tai nạn, thế nên chị Oanh “bao trọn” vừa làm trách nhiệm của Trạm trưởng, vừa là cán bộ quan trắc trực kỹ thuật.

chuyen nghe bat benh ong troi

Đo mực nước, kiểm tra nhiệt độ nước trên tuyến cọc

Trạm Thủy văn cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chưa đến 3 km, thu mình một góc nhỏ dưới chân cầu Thạch Đồng. Một căn nhà cấp 4 nhỏ, nằm riêng biệt với khu dân cư, cái trạm này cũng lặng lẽ như chính công việc của họ vậy. “Mỗi ca trực như vậy chỉ một người đảm nhiệm, vào ban đêm thân đàn bà, phụ nữ một mình xách đèn ra bờ sông lấy số liệu. Rợn người lắm. Có điều sợ thì lâu thành quen, chỉ có lẻ loi, cô độc là không quen được”, chị Oanh tâm sự.

chuyen nghe bat benh ong troi

... đo mưa

Công việc của họ theo tháng, theo ngày. Do đặc thù, 12 trạm khí tượng, thủy văn đều đặt ở vị trí núi cao, sông nước hiểm trở, xa khu dân cư. Có những nơi “rừng thiêng, nước độc”, suốt ngày chỉ có rừng cây, nước chảy và tiếng muông thú. Kể cả ngày lễ, tết, một chút niềm hạnh phúc riêng tư ấy cũng phải hy sinh để lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của ông trời!

Vất vả, rình rập hiểm nguy…

Nói về nghề của mình, Giám đốc Đài KTTV tỉnh Trần Đức Bá chia sẻ: “Áp lực lớn nhất là khi phát bản tin lũ, bão và thời tiết nguy hiểm. Các ngành chức năng và người dân dựa vào bản tin để đưa ra phương án phòng chống, đối phó với thiên tai, tin báo “sai một ly, đi một dặm”.

chuyen nghe bat benh ong troi

Các số liệu được đối chiếu máy đo tự động trước khi phát về cho Đài KTTV tỉnh

Cái khó của nghề khí tượng, thủy văn là “bắt” được chiều đi của bão lũ, nó không giống bất cứ một hành trình nào, bão lũ chịu tác động của thiên nhiên, còn người làm nghề này, kể cả lúc số liệu quan trắc biến động nhất cũng phải đưa ra nhận định đảm bảo độ tin cậy tối đa nhất. Cơn bão số 10 năm 2017, Đài KTTV tỉnh đã sớm nhận định hướng đi và tham mưu với UBND tỉnh triển khai sớm nhất công tác ứng phó dựa vào bản tin dự báo, cũng như các kịch bản nguy hiểm xảy ra ở khu vực khả năng ảnh hưởng. Số liệu quan trắc sát di chuyển của bão, đánh giá tình hình chính xác đã giúp Hà Tĩnh vượt qua bão lũ an toàn, không có thiệt hại về người.

Thế nhưng, những cán bộ quan trắc lại luôn đối mặt với nguy hiểm. Vị giám đốc trẻ không thể quên kỷ niệm với nghề khi lấy số liệu cập nhật một cơn bão hồi 2007. Đứng trong tâm bão Kỳ Anh, gió rít mạnh hất hết mái nhà của trạm, đồ đạc, tư trang mưa vùi, gió dập. Đành bỏ mặc, quan trọng là bảo vệ cho bằng được thiết bị và không được mất số liệu. Anh cùng với một cán bộ khác phải níu vào nhau, dò dẫm từng bước ra vườn để lấy thông số, kịp báo cáo. Cả đêm hôm ấy, số liệu cập nhật liên tục, gần như hai người họ không thể ở trong nhà.

chuyen nghe bat benh ong troi

Trong mùa mưa lũ, cán bộ thủy văn vẫn phải quan trắc số liệu

Người ta nói “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, những người làm công tác thủy văn đúng là đánh đu mạng sống của mình trên “miệng hà bá”. Ở miền núi vào mùa lũ, nước sông dâng cuồn cuộn, ầm ào thịnh nộ thì họ vẫn phải neo mình ra giữa sông để đi đo nước, đo lưu lượng.

“Nếu chưa đến sẽ chẳng ai tưởng tượng được nước sông mùa lũ khủng khiếp đến mức nào, cũng như công việc chúng tôi. Muốn ra được giữa dòng đo lưu lượng, thuyền phải neo vào dây cáp bắc qua sông, cứ thế cắt lũ mà đi”, anh Bá cho biết thêm.

Mỗi bản tin thời tiết chỉ vẻn vẹn mấy dòng, chẳng bao giờ ghi tên ai ở cuối. Nghề khí tượng thủy văn chỉ giỏi thôi chưa đủ, mà là trách nhiệm, sự cống hiến và cả hy sinh…

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.