Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

(Baohatinh.vn) - Không kể nắng mưa, đêm hôm hay sáng sớm, hơn 10 năm qua, ông Hồ Văn Tường (51 tuổi) và ông Trần Đình Huynh (50 tuổi) vẫn miệt mài những chuyến đò, đưa người dân “ốc đảo” Hồng Lam (xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) qua sông.

“Ốc đảo” Hồng Lam với gần 500 nhân khẩu sinh sống nằm giữa dòng Lam, bốn bề bao quanh là nước. Vì thế, 2 con đò của ông Tường và ông Huynh là phương tiện duy nhất để cả thôn Hồng Lam vượt qua 670m đường sông, kết nối với thế giới bên ngoài.

Ông Hồ Văn Tường cho hay: Qua sông chủ yếu là người dân và 45 học sinh trong thôn, thỉnh thoảng mới có khách vào thôn. Ngày thường, 2 người chúng tôi thay phiên nhau, mỗi người 2 ngày đưa người dân qua sông.

Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

Đò ngang là phương tiện duy nhất để cả thôn Hồng Lam vượt qua 670m đường sông, kết nối với thế giới bên ngoài.

Công việc của người lái đò nơi “ốc đảo” này bắt đầu từ 6h sáng để kịp chở học sinh đến trường. Và những chuyến đò cuối ngày thường khép lại vào khoảng 6 - 7h tối. Bình quân, mỗi ngày đò chạy khoảng 30 chuyến.

"Cố định là thế nhưng những khi người dân có việc thì bất kể giờ nào, mùa nào. Đêm đang ngủ, điện thoại đổ chuông là biết có người cần đi đò. Rồi có những khi đang ăn cơm cũng bỏ đũa, bỏ bát chạy cho kịp vì sợ lỡ việc của người ta. Sống ở đây lâu năm, chúng tôi biết khi có việc cần đi gấp, chờ đò sốt ruột lắm” - ông Tường chia sẻ.

Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

Nếu làm công việc này chỉ để kiếm sống, thì có lẽ ông Tường, ông Huynh đã bỏ nghề bởi thu nhập từ chèo đò cũng chẳng đáng là bao.

Sinh sống trên ốc đảo hàng chục năm nay, ông Huynh và ông Tường thấu hiểu những khó khăn trong đi lại của người dân nơi đây. Vậy nên, với 2 người đàn ông này, đưa đò dường như không phải nghề để kiếm sống mà hơn hết là phục vụ bà con đi lại qua bến nước sông Lam.

“Nếu làm công việc này để kiếm sống, thì có lẽ chúng tôi cũng không bám trụ được đến giờ. Hàng chục năm nay, giá mỗi lượt qua đò của người dân chỉ 1.000 đồng, học sinh thì miễn phí. Trừ tiền dầu, tiền sửa đò mỗi năm, thu nhập từ chèo đò cũng chẳng đáng là bao nhiêu” - chủ đò Hồ Văn Tường tâm sự.

Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

Ông Trần Đình Huynh nhớ không biết bao lần đưa đò lúc nửa đêm khi người dân ốm đau, có việc đột xuất

Nhắc đến những kỷ niệm đã qua trong 12 năm đưa đò, chủ đò Trần Đình Huynh vẫn nhớ như in đã không biết bao lần trong đêm khuya, trời đông rét căm căm, ông “phi” ra bến đò vì có người trong thôn bị ốm đau, có việc đột xuất, phụ nữ trở dạ phải vào bệnh viện. Và cũng không hiếm khi một mình chèo đò sang bến để chở một người về “ốc đảo”.

“Có lần nửa đêm, một phụ nữ trong thôn trở dạ, tôi phải chạy ra đò đưa đi gấp. Tình huống cấp bách, nếu không nhanh có thể nguy hiểm đến tính mạng con người nên lúc đó vừa đi vừa lo. Hôm sau nghe tin mẹ tròn con vuông, mình mới thở phào nhẹ nhõm” – ông Huynh kể.

Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

Không chỉ chuyên chở người, con đò của ông Huynh, ông Tường cũng là phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu mỗi khi người dân sửa nhà, làm nhà

Kỷ niệm in sâu với những người chèo đò trên dòng sông này không chỉ là những khi người dân có việc đột xuất mà còn là những lần đi sơ tán mùa mưa bão. Những lúc như thế, dòng sông Lam trở nên “hung dữ”, nước dâng cao, chảy xiết, nếu không bản lĩnh và khéo léo, đò có thể lật bất cứ lúc nào. Đó cũng là mùa vất vả, cực nhọc nhất của người đưa đò như ông Huynh, ông Tường.

Đăm chiêu nhìn sông nước, ông Tường tâm sự: “Có những năm nước ngập cả thôn, phải di dân và gia súc. Người trẻ thì đi làm ăn xa, thôn chủ yếu người già và trẻ em, nước dâng cao, vừa phải di chuyển nhanh, vừa phải đảm bảo an toàn khiến tôi phải căng hết sức”.

Chuyện người lái đò trên “ốc đảo” Hồng Lam

“Vé khứ hồi” mỗi chuyến đò là 2.000 đồng/người, có xe máy thì 5.000 đồng cả đi và về.

Ngồi trên đò trò chuyện cùng chúng tôi, chốc chốc ông Tường lại nheo mắt, cố nhìn qua bờ bên kia xem có ai cần qua sông không bởi cuối chiều là giờ cao điểm của bến đò, khi học sinh và người dân trở về “ốc đảo”. Rồi ông nhanh chóng buông dây néo, dùng gậy đẩy đò xa bờ. Tiếng máy đò bắt đầu khởi động, xóa tan không gian tĩnh lặng của dòng nước.

Và trên chuyến đò vượt dòng sông Lam ấy, những vất vả, gian truân in hằn lên khuôn mặt người đưa đò. Theo thời gian bám nghề, họ trở thành những người trầm tĩnh, cẩn trọng và linh hoạt trong mọi tình huống.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.