Chuyện về một cựu tù Côn Đảo

(Baohatinh.vn) - Tôi gặp cựu chiến binh (CCB), thương binh ¼ Trần Văn Xuân khi ông đang chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức về những tháng ngày bị tra tấn cực hình tại nhà tù Côn Đảo nhưng ông vẫn giữ vững khí chí người cộng sản kiên trung hiện rõ mồn một.

CCB - thương binh ¼ Trần Văn Xuân (người ngồi giữa) không thể quên những ngày tháng tại nhà tù Côn đảo

CCB, thương binh ¼ Trần Văn Xuân sinh năm 1945, quê xã Vượng Lộc, Can Lộc. Năm 1963, đang làm cán bộ đoàn, ông viết đơn tình nguyện ra tiền tuyến.

Vào quân ngũ, ông được biên chế vào huấn luyện ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, sau đó được cử đi học Trường Hạ sĩ quan ở Thanh Hóa. Khi ra trường, ông về lại đơn vị cũ và được bổ nhiệm tiểu đội trưởng, rồi trung đội trưởng. Chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, năm 1966, đơn vị ông được lệnh hành quân vào Quảng Trị để mở “đường máu”. Trước lúc đi ông được kết nạp Đảng và cũng như mọi người, ông viết quyết tâm thư bằng máu.

Tháng 5/1967, ông dẫn đơn vị luồn sâu vào điểm cao 900 nắm tình hình thì bị địch phát hiện. Chúng dùng hỏa lực bắn tới tấp vào đội hình, ông bị một mảnh đạn xuyên đầu ngất lịm. Địch dùng trực thăng quần lượn, phát hiện ông còn sống, chúng đưa về Đà Nẵng cứu chữa để lấy thông tin. Khi ông tỉnh lại, chúng còng tay, còng chân, bẻ hết răng để ông không cắn lưỡi chết, sau đó tuốt hết móng tay, móng chân.

Hai tên lính Mỹ và một phiên dịch hỏi cung: “Mày vào đây làm gì?”. Mắt ông trợn ngược căm thù, chúng hỏi đi hỏi lại, ông vẫn không mở lời. Sau đó, chúng dùng thanh sắt nung đỏ ép vào má, ông sôi máu nói to: “Choa vào đây đánh bay chứ làm gì?! Bọn cướp nước!”. Một tên lính bực tức trở báng súng đánh vào thái dương, mắt phải ông trồi ra chúng dùng kìm giật ra, ông ngất lịm đi. Khi ông tỉnh lại, chúng bỏ vào chiếc rọ sắt đưa vào nhà tù ở Biên Hòa (Đồng Nai).

Tại đây, chúng cho ông đứng trong xà lim 3 tháng liền, hai chân tụ máu sưng to, ruồi, muỗi bâu vết thương đen kịt nhiễm trùng nặng. Mỗi lần đưa ông ra hỏi cung, chúng bắt ngồi trên kiềng thép gai rồi dí điện vào người và dùng lưỡi cày nung đỏ dí vào hai mông cháy hết thịt vào tận xương nhưng ông vẫn không khai. Tra tấn mọi hình thức không có kết quả, chúng dụ dỗ cho ăn ngon, mặc đẹp, hứa cho về đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn kiên định.

Không lấy được thông tin, cuối cùng chúng bỏ ông vào lồng sắt đưa ra Côn Đảo. Đến Côn Đảo, ông Xuân đi không vững, chúng dùng dây kéo lê vào chuồng cọp. Vết thương trên người ông lở loét, sưng mủ. Mỗi khi đói, ông bốc những hạt cơm hôi thối ăn, uống nước tiểu cho qua ngày…

Hơn 6 năm ở nhà tù Côn Đảo (1967 - 1973), địch dùng mọi hình thức tra tấn vẫn không lay chuyển được ý chí của ông. Năm 1973, thực hiện Hiệp định Paris về trao trả tù binh, ông Xuân (người đã báo tử vào năm 1968) được trở về đơn vị.

Hơn 10 năm chiến đấu, tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, ông Xuân 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều huân, huy chương khác. Sau 1 năm điều trị ở miền Bắc, sức khỏe tốt hơn, ông xin về thăm gia đình. Hưởng ứng phong trào cưu mang, giúp đỡ thương binh, cô Võ Thị Nhân nhỏ nhắn, xinh đẹp, đảm đang nổi tiếng nhất làng, đang làm Bí thư Đoàn xã Vượng Lộc (Can Lộc) tình nguyện làm vợ ông.

Bà Võ Thị Nhân - vợ ông Trần Văn Xuân hằng ngày chăm sóc cho chồng từ miếng cơm, giấc ngủ chu đáo

Những tháng ngày làm vợ thương binh nặng, bà Nhân phải trải qua biết bao nhọc nhằn vất vả. Mỗi khi trái gió, trở trời vết thương tái phát, ông Xuân lên cơn động kinh, không làm chủ được mình, nhiều lần ông đốt nhà, rồi cầm dao, gậy gặp ai cũng chém, cũng đánh. Hằng đêm, mẹ con ngủ cứ nơm nớp sợ ông lên cơn. Có khi ông bỏ nhà đi lang thang... Gian nan là thế nhưng bà Nhân đều vượt qua tất cả. 4 người con của ông bà đều khỏe mạnh, hiện đã lập gia đình và có 9 cháu nội, ngoại.

Chia tay CCB Trần Văn Xuân, chúng tôi thán phục một con người có ý chí kiên cường, có lòng thủy chung son sắt, sẵn sàng hy sinh cho Đảng, cho cách mạng. Ông là một tấm gương sáng để cho nhiều thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói