Chuyện về một người con Hà Tĩnh: “Ông Năm viện bỏng”

(Baohatinh.vn) - Trong một chuyến đi thực tế tại Hồng Lộc, xã miền núi duy nhất của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), tôi vinh dự được gặp ông - người nổi tiếng với những tên gọi rất thân thiện, trìu mến: “Ông Năm viện bỏng”, "Vị tướng ngành bỏng”, “Vị tướng của bệnh nhân"…

Ông chính là Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Với tinh thần làm việc miệt mài, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho quân và dân, ông là một trong 100 giáo sư, tri thức tiêu biểu hàng đầu của Việt Nam, một người con ưu tú của quê hương Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Chuyện về một người con Hà Tĩnh: “Ông Năm viện bỏng”

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Năm tặng sách “100 giáo sư trọn đời cống hiến” cho tác giả Lê Trâm Anh

Vừa trở về từ Thủ đô, nhưng nghe nói có người tới chơi, vị tướng già Lê Năm niềm nở đón khách. Khuôn mặt hiền từ, mái tóc hơi hói đã lơ phơ điểm bạc, ở ông toát lên phong thái gần gũi và giản dị. Sinh năm 1952, dù có quá nửa đời gắn bó với mảnh đất Thủ đô nhưng trong giọng nói vẫn đậm chất Hà Tĩnh.

Ông Năm kể: Ngày xưa không chỉ gia đình ông mà cả làng quê Hồng Lộc này đều nghèo khổ lắm. Bữa ăn chỉ có khoai, sắn, nhưng cũng bữa đói, bữa no. Tuổi thơ ông lẫn trong vị mặn mòi của biển, trong cái hanh heo nứt nẻ, trong cái bỏng rát của gió lào. Bố yếu, mẹ mắt lòa, nhà có 4 chị em thì 3 chị lấy chồng sớm buộc ông phải tự lập từ nhỏ. Cũng từ đấy mà chàng trai Lê Năm đã ấp ủ trong mình ước mơ giản dị sẽ trở thành một thầy thuốc để về quê chữa bệnh cho mọi người. Năm 1970, ông đăng ký hồ sơ ban đầu vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), nhưng không hiểu sao, ông lại bị chuyển sang học ở Trường Đại học Thương nghiệp (Đại học Thương mại ngày nay). Do chưa đạt được ước nguyện, năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chàng sinh viên Lê Năm đã tình nguyện “xếp bút nghiên” lên đường làm nhiệm vụ. Và ông cũng không thể ngờ rằng, chính môi trường quân ngũ đã giúp ông “tìm lại” được ước mơ lớn nhất cuộc đời khi được Trường Đại học Quân y tuyển chọn để đào tạo trở thành bác sỹ phục vụ lâu dài trong quân đội.

Sau 6 năm theo học tại Trường Đại học Quân y (1973-1979), ông được điều về công tác tại Bệnh viện Quân khu 4 (thuộc Bệnh viện dã chiến TP Vinh). Cũng bắt đầu từ đó, ông Năm “bén duyên” với chuyên ngành bỏng. Với tư chất người lính, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, không ngại gian khổ, ông ngày đêm lao vào công việc vừa khám chữa bệnh và nghiên cứu y học. Năm 1987, sau khi được cử đi thực tập sinh ở Liên Xô (cũ), ông đã trở thành người đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực bỏng của Việt Nam. Năm 1990, ông trở về nước, tiếp tục cùng các đồng nghiệp lăn lộn, phát triển chuyên ngành bỏng. Sau 10 năm, Khoa Bỏng của Học viện Quân y có quyết định mở rộng quy mô, trở thành Viện Bỏng quốc gia với cơ ngơi khang trang và đội ngũ y, bác sỹ chuyên ngành bỏng hàng đầu đất nước. GS.TS Lê Năm đã được bổ nhiệm làm Giám đốc. Năm 2008, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Cầm cốc trà trên tay xoay xoay như lần hồi về miền ký ức, ông Năm chậm rãi kể: “Là một người con của quê hương Hà Tĩnh, khi Khoa Bỏng được phát triển thành Viện Bỏng mang tên danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tôi thấy mình thật vinh dự, hạnh phúc vô cùng. Ngay khi được giao đảm nhận nhiệm vụ làm giám đốc, trong đầu tôi lúc đó nung nấu khát vọng đổi mới, phải cải cách để sao cho xứng tâm, xứng tầm với tên tuổi, tài năng của Hải Thượng Lãn Ông. Bởi sinh thời, Đại danh y đã từng dạy: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của con người; chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Cho nên mình càng phải ghi nhớ và thực hành thật xuất sắc”.

Sau nhiều trăn trở, tìm tòi, cuối cùng từ một lần được tham dự hội thảo bỏng quốc tế tại Pháp năm 2001, GS.TS Lê Năm đã tìm ra hướng phát triển mới: Muốn thành công, phải biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, kỹ thuật cao. Như một “tình báo y tế”, mỗi lần đi công tác nước ngoài, ông thường chú trọng quay phim, chụp ảnh những viện, trung tâm điều trị về bỏng hiện đại của thế giới, hay những tài liệu về kỹ thuật điều trị bỏng mới thế giới đang phát triển để về nước nghiên cứu và chia sẻ với đồng nghiệp. Bởi với ông, mỗi nước, mỗi trung tâm đều có một thế mạnh và điểm yếu riêng, biết cái mạnh mà học, biết cái yếu, cái hạn chế mà tránh thì sẽ giúp mình tiến nhanh và không lãng phí tiền của…

Nhờ sự tâm huyết và mạnh dạn của ông, tại Viện Bỏng quốc gia ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được triển khai như: siêu lọc máu, oxy cao áp, ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ, giãn vạt da, vi phẫu thuật… Kết quả đến thật kỳ diệu, nhiều bệnh nhân bỏng sâu đến 78% và diện bỏng nặng đến 90% đã được chữa khỏi hoàn toàn bằng công nghệ mới, sử dụng trung bì da lợn. Để rồi, Viện Bỏng quốc gia trở thành “con chim đầu đàn của ngành bỏng Việt Nam”, được bạn bè quốc tế nhắc đến như một địa chỉ tin cậy.

Chuyện về một người con Hà Tĩnh: “Ông Năm viện bỏng”

Không chỉ chữa bệnh giỏi, Thầy thuốc Nhân dân Lê Năm luôn dành tặng nhiều tình cảm, động viên tinh thần cho người bệnh. (Ảnh tư liệu)

- “Vậy trong số những danh hiệu mà mọi người quý tặng cho mình, bác thích nhất cách gọi nào nhất ạ?” - Tôi mạnh dạn cắt lời hỏi. Trầm ngâm một lúc, Thiếu tướng, GS.TS Lê Năm thư thái nói một câu khiến tôi đi từ bất ngờ đến cảm phục con người ông: “Tôi không thích những tên gọi được gắn với những chức danh dài dòng. Trong nhiều cách mọi người gọi mình, tôi thích nhất vẫn là cái biệt danh “Ông Năm viện bỏng”. “Ông Năm viện Bỏng” chính là tên mà tôi được người nhà và bệnh nhân Viện Bỏng quốc gia tặng cho từ năm 1999 sau khi tiếp nhận một ca bỏng nặng. Bệnh nhân tên là N.V.D., 15 tuổi, quê ở Nghệ An. Trong khi leo cây bắt chim, trượt tay rơi xuống đường dây điện cao thế, bị cháy sém đến 3 xương sườn và cả cơ thể. Tưởng như không còn hy vọng, gia đình đã chủ động xin bệnh viện được đưa em về. Nhưng với quyết tâm cao, tôi đã thuyết phục được sự vào cuộc một cách hết mình của các y, bác sỹ. Thành công của ca bệnh đã trở thành dấu mốc cho cả tôi và cả tập thể Viện Bỏng”. Bệnh nhân lần lượt trải qua tới 14 lần mổ, trong đó, ông Năm trực tiếp cầm dao 6 lần đầu vô cùng khó khăn; còn 8 lần sau, ông trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Một ngày nọ, khi đang ngồi làm việc trong phòng, bệnh nhân tưởng như đã hết hy vọng sống ấy đã đến tận phòng chào ông ra viện với cuốn sách tặng mang dòng chữ yếu ướt: “Mạng con có được như hôm nay là nhờ ơn ông Năm viện bỏng ban cho. Đời này, kiếp này gia đình con xin ghi lòng tạc dạ”.

Dù hiện nay, Đảng và Nhà nước đã cho nghỉ hưu theo chế độ, nhưng bằng tài năng và tâm huyết của mình, Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Lê Năm vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho ngành y học nước nhà trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học hiện do ông trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài, trong đó, có 1 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp bộ; Dự án “Phòng chống bỏng trẻ em” của UNICEF; nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu, có ý nghĩa đặc biệt cho nền y học nước nhà như: Nghiên cứu ứng dụng ghép da điều trị bỏng sâu do luồng điện; Đề tài dùng da của người thân để phủ tạm thời bệnh nhân bị bỏng sâu, diện rộng; nghiên cứu ứng dụng trung bì da lợn bảo quản lạnh sâu điều trị vết thương bỏng vẫn tiếp tục được phát huy tính hiệu quả khi đưa vào sử dụng trong khám chữa bệnh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị bỏng.

Riêng Viện Bỏng quốc gia đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới, nhiều năm là bệnh viện xuất sắc của Bộ Y tế... Những thành công đó, có một phần đóng không nhỏ từ trái tim yêu thương, tâm, tầm, tài, đức của “Ông Năm viện bỏng” - vị tướng của bệnh nhân.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống