Cơ quan chuyên môn Sở NN&PTNT hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Thời tiết tiếp tục duy trì hình thái nắng nóng, ẩm độ không khí thấp trong khi lúa hè thu bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh về thân lá là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại tại các địa phương Hà Tĩnh.

Hiện nay, lúa hè thu 2024 thời kỳ đẻ nhánh, một số diện tích gieo cấy sớm đẻ nhánh rộ, sinh trưởng phát triển tốt. Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và báo cáo của các địa phương, đến ngày 17/6/2024, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại mật độ trung bình 10-15 con/m2, nơi cao 20-25 con/m2 phân bố tại xã Trung Lộc, Xuân Lộc, Thiên Lộc, Vượng Lộc (Can Lộc); Thạch Xuân, Thạch Trị, thị trấn Thạch Hà, Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Kỳ Tiến, Kỳ Thọ, Kỳ Văn (Kỳ Anh); Đức Bồng, Đức Hương, Ân Phú (Vũ Quang); Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên),... sâu non phổ biến tuổi 4, tuổi 5 và có xen gối lứa.

Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện cục bộ, mật độ trung bình 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, rầy tuổi 2, tuổi 3, phân bố ở một số diện tích gieo cấy sớm tại các xã vùng biển ngang Thạch Hà, ven biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, vùng ngoài đê Đức Thọ.

Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thực hiện việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

Thời gian tới, thời tiết tiếp tục duy trì hình thái nắng nóng, ẩm độ không khí thấp, cây lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh về thân lá là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại. Dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa tiếp theo nở rộ từ thời điểm xung quanh 31/6/2024 trở đi, gây hại giai đoạn lúa phân hoá đòng; rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tích lũy số lượng gây hại cục bộ dạng ổ và tạo nguồn gây hại giai đoạn lúa làm đòng trổ - bông có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa Hè Thu.

Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị điều tiết, cung cấp đủ nước cho lúa hè thu; tiếp tục chăm sóc, bón phân cân đối tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, tăng khả năng kháng sâu bệnh.

Đối với sâu cuốn lá: thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định chính xác thời điểm sâu non lứa tiếp theo nở rộ, mật độ sâu gây hại để quyết định thời điểm và những diện tích cần tập trung xử lý, sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Indoxacarb, Emamectin benzoate, Chlorantraniliprole, các loại thuốc thương phẩm như: Clever 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Angun 5WG,..;

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: trước mắt tập trung xử lý các diện tích rầy đã xuất hiện để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng; thường xuyên giám sát đồng ruộng thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại; chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tiến hành phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2 bằng một trong các loại thuốc hóa học có hoạt chất Pymetrozine, Imidacloprid, Clothianidin, Acetamiprid, các loại thuốc thương phẩm như: Chess 50WG, Sutin 50SC, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP,...; thu mẫu rầy trưởng thành gửi mẫu giám định để chủ động trong công tác phòng trừ nhóm bệnh do vi rút như: bệnh lùn sọc đen Phương Nam, bệnh vàng lá di động.

Trên cơ sở định hướng trên, đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn tại cơ sở để cụ thể hoá các giải pháp phòng trừ đảm bảo hiệu quả thiết thực. Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thực hiện việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

Bên cạnh sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng cần theo dõi diễn biến các đối tượng như: ruồi đục nõn, bọ trĩ, chuột,... để có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói