Còn ngân vang câu ví Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Trong kho tàng đồ sộ những di sản văn hóa làng Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh), hát ví phường vải là một trong những niềm tự hào của nhiều thế hệ cư dân nơi đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng là một làn điệu dân ca nhưng ví phường vải Trường Lưu lại uyên thâm hơn, sâu sắc hơn khi thu hút được trí tuệ của các bậc trí thức, nho sĩ trong và ngoài vùng…

1.8.jpg
Đình làng Trường Lưu - một trong những địa điểm ngày xưa người dân địa phương thường hát giao duyên.

Trở lại Trường Lưu trong một ngày hạ chí mát mẻ, giữa không gian đầy cổ xưa của đình làng, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn linh khí của vùng đất này.

- Đây là một trong những địa điểm ngày xưa các cụ nhà ta thường hát giao duyên với nhau đó cháu, có cả Đại thi hào Nguyễn Du nữa.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà bước vào sân đình trong trang phục áo tứ thân và nói với chúng tôi. Lời của nữ nghệ nhân như đưa chúng tôi về với không gian xưa. Đó là những đêm hát đối đáp giữa những “huyền thoại” hát ví làng Trường Lưu như o Cúc, o Uy, ả Sạ… với các tao nhân mặc khách, những trí thức, nho sĩ từ các vùng lân cận. Họ chính là những người đã cùng nhau tạo nên nét đặc trưng của hát ví phường vải Trường Lưu.

- Lần nào ra đình, cháu cũng thấy bác mặc đồ biểu diễn. Có phải bác cũng muốn sống lại không khí ngày xưa?

1.2.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hà.

- Đúng rồi cháu, sân đình làng là nơi rất thiêng liêng đối với bác. Trong những cuộc gặp gỡ với du khách, bác luôn chọn trang phục này, mặc trang phục này bác mới hát ra hồn ra vía câu ví phường vải làng bác được!

Giữa không gian của ngôi đình cổ, trong tiếng hát mênh mang của người nghệ nhân cao tuổi, chúng tôi lại miên man nghĩ về Trường Lưu xưa (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) với những nét văn hóa độc đáo. Văn hóa Trường Lưu không chỉ được kiến tạo với các bậc hiền tài, tuấn kiệt mà còn bởi những người nông dân mộc mạc, chân chất. Trong đó, hát ví phường vải Trường Lưu được hình thành từ sự kết hợp giữa những người nông dân chân lấm tay bùn với các trí thức, nho sĩ.

Tích xưa kể lại, thời ấy, con gái Trường Lưu vừa đẹp người, đẹp nết, hát hay, lại được các ông thầy là những nhà thơ tài giỏi của dòng họ Nguyễn Huy như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ mách lời nên câu ví phường vải nơi đây rất ý nhị, uyên bác. Thế nên, trí thức, nho sĩ các vùng khác đều tìm đến giao tình. Và, Trường Lưu vô hình trung trở thành một trong những trung tâm hát ví phường vải nổi tiếng của vùng văn hóa xứ Nghệ.

1.3.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hà vẫn thường tập hát cho thế hệ trẻ ngay tại đình làng.

- Người ta thường nói ví phường vải Trường Lưu có nét riêng, vậy nét riêng đó là gì, bác có thể chỉ cho chúng cháu rõ hơn không?

- Ví phường vải Trường Lưu cũng là điệu ví được hát theo đặc trưng nghề nghiệp nhưng nó không mênh mang như ví đò đưa, không đơn thuần, gãy gọn như ví phường cấy… mà lại “dài dòng văn tự”, giàu hình ảnh, ý nhị, uyên thâm hơn. Sở dĩ như vậy là bởi ví phường vải có sự tham gia của các nhà nho, các vị khoa bảng và các cậu học trò, đặc biệt là Đại thi hào Nguyễn Du, những nhà văn của dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng nên càng độc đáo hơn. Thêm nữa, ví phường vải Trường Lưu còn độc đáo ở phương ngữ vừa dí dỏm, thông minh lại mộc mạc. Ví như: “Con ngựa chạy giữa đàng nói con ngựa cất, con cá bán giữa chợ nói con cá thu, anh mà đối được em mần du mẹ thầy/ Con rắn bò giữa đàng nói con rắn lại, con cá lội dưới nước nói con cá leo, anh đà đối được em phải theo anh về”.

Sinh thời, cũng vì cảm mến thanh sắc của các cô gái Trường Lưu mà Đại thi hào Nguyễn Du đã không quản ngại vượt truông Hống, đò Cài đến với miền quê này để được gặp gỡ, giao lưu và đóng góp vào kho tàng ví phường vải Trường Lưu nhiều câu hát nổi tiếng. Sau này, khi Nguyễn Du không sang hát nữa thì ông Nguyễn Huy Quýnh đã thay lời các o phường vải viết bài “Thác lời gái phường vải” gửi thi hào và thi hào cũng đáp lại bằng bài “Thác lời trai phường nón” với tâm tình da diết: “Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu”. Có lẽ cũng chính vì thế mà mỗi lần đến Trường Lưu, gặp gỡ các nghệ nhân dân ca ví, giặm, chúng tôi đều được nghe kể lại nhiều sự tích giữa Nguyễn Du với o Cúc, o Uy, ả Sạ như những câu chuyện tình đẹp đẽ, thơ mộng. Và họ lại hát lại cho chúng tôi nghe những câu ví phường vải đầy ý nhị, uyên bác giữa đại thi hào và các o ở làng như:

- Trăm hoa đua nở về xuân

Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

- Vì chưng tham chút nhụy vàng

Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu…

1.0.jpg
Cảnh phim Nguyễn Du vượt ngàn Hống, đò Cài sang Trường Lưu hát phường Vải được thể hiện trong bộ phim "Đại thi hào Nguyễn Du".

Các nghệ nhân đã hát và đã chia sẻ thật nhiều về tình yêu dành cho câu ví quê hương. Chúng tôi hiểu hơn về “bầu sữa” mà ông bà, cha mẹ đã nuôi họ lớn lên, về làn điệu hát ví đã ăn sâu vào huyết mạch của họ. Để họ có thể cùng lúc tham gia cả câu lạc bộ ví, giặm của xã và của thôn; vừa say sưa sưu tầm lời cổ, vừa nghiêm túc tập luyện, biểu diễn lại vừa có trách nhiệm trong việc trao truyền cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi nhìn theo những cây cột, cây kèo đã nhuốm màu thời gian ở đình làng Trường Lưu mà liên tưởng tới sự mai một của nghề kéo tơ, dệt vải ở làng, về những chiếc khung cửi chỉ còn trong chuyện kể và những câu hát ví được giữ gìn. Thật may, giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, điệu ví phường vải vẫn được nuôi dưỡng, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo trên vùng quê di sản.

Nhớ lại lời ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường từng nói với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện gần đây, tôi lại càng tin vào điều đó.

1.10.jpg
Không gian diễn xướng ví phường vải vẫn được người dân Can Lộc tái hiện trên những sân khấu biểu diễn.

- Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này, xã đã thành lập CLB Ví phường vải Trường Lưu. Ngay từ khi thành lập, CLB đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, từ người già đến thanh thiếu niên. Dẫu không duy trì được nếp sinh hoạt thường xuyên nhưng mỗi thành viên CLB vẫn âm thầm sưu tầm lời cổ, sáng tác lời mới, vẫn âm thầm luyện hát mỗi ngày để mỗi sự kiện của địa phương đều có sự đóng góp của CLB bằng những điệu ví mang đậm hồn cốt, bản sắc của quê hương.

Đã tròn một thập kỷ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa của loại hình dân ca này đã và đang được 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng. Câu hát của người xưa đang sống lại trong đời sống hôm nay một cách rộng rãi và mạnh mẽ. Đến Trường Lưu, trò chuyện cùng lãnh đạo chính quyền địa phương, gặp gỡ các nghệ nhân, nghe họ hát, lắng nghe tình yêu và niềm tự hào của họ, chúng tôi biết rằng, câu ví phường vải nổi tiếng của cha ông xưa sẽ còn được trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Video: Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hà dạy hát cho các cháu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast