Cưa xăng - nghề phụ "hái" tiền!

(Baohatinh.vn) - Nghề “cưa xăng” từ vài năm lại nay là một trong những nghề phụ “hái” ra tiền cho nông dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) buổi nông nhàn. Chỉ cần đầu tư hơn 10 triệu đồng mua máy, mỗi ngày, người thợ cưa đã có thể kiếm được tiền triệu.

Anh Lê Tiến Dũng (xóm 11, xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) là một trong những nông dân bắt đầu nghề thợ cưa khá sớm. Với công việc nhà nông, thu nhập của gia đình anh chỉ đủ sống qua ngày, trong khi đó, thời gian rỗi lại khá nhiều, anh Dũng cũng đã thử một số nghề nhưng không gắn bó được lâu.

cua xang nghe phu hai tien

Với kinh nghiệm 6 năm, anh Dũng đã là thợ cưa đầy kinh nghiệm

Anh Dũng cho biết: “Năm 2011, trong lần đi chơi nhà bạn ở huyện miền núi, tôi thấy một tốp thợ đang cưa thuê đồi tràm, bèn lân la hỏi chuyện. Nghiệm thấy, việc này rất hợp với tôi, hơn nữa, vùng tôi đang sống, nhu cầu về “cưa xăng” không ít, thế là tôi đầu tư sắm 1 cái máy cưa 10 triệu đồng và bắt đầu bắt mối làm ăn. Ban đầu, việc không nhiều, cả năm cũng chỉ làm được 4, 5 chục ca, mỗi ca xấp xỉ 1 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng cũng có của cất dành”.

Duy trì nghề nhiều năm, anh Dũng là một trong những thợ cưa đầy kinh nghiệm. Giờ đây, với phong trào xóa bỏ vườn tạp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong phong trào NTM, công việc của một thợ cưa xăng như anh Dũng không hề ít. Vài năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, anh nhận chừng 120 ca, trừ chi phí cũng thu về gần trăm triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.

Công việc của một thợ “cưa xăng” khá nguy hiểm nhưng trong muôn nẻo mưu sinh, nhiều người vẫn lựa chọn nghề này. Anh Nguyễn Văn Minh (xóm Liên Thanh, Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ đi phụ việc cho một người bạn chuyên đi cưa thuê, nhận thấy nhu cầu trong nhân dân ngày càng cao nên khi đã học hỏi được kinh nghiệm, năm 2015, tôi đầu tư 11 triệu đồng sắm 1 chiếc máy cưa và tách ra làm riêng. Tôi thường nhận cưa thuê cho một số chủ đồi tràm và cưa cây xóa bỏ vườn tạp, mỗi năm cũng nhận chừng 100 ca”.

cua xang nghe phu hai tien

Nghề “cưa xăng” khá nguy hiểm, đòi hỏi sự khéo léo, nhanh trí của người thợ.

Theo anh Minh, cưa vườn tràm là một trong những ca đơn giản nhất, không quá vất vả như cưa xóa bỏ vườn tạp hay san mặt bằng ở các dự án. Bởi nhiều khi ở những cây lâu năm trong vườn nhà, người ta thường hay đóng đinh lên cây, nếu mình không phát hiện ra khiến lưỡi cưa dính phải thì nguy hiểm. Trong tình thế đó, nếu người thợ đứng không vững, không nhanh trí thì rất có thể, lưỡi cưa bị bật ngược sẽ “liếm” vào cơ thể.

Cũng theo nghề “cưa xăng” hơn năm nay, anh Nguyễn Văn An ở Sơn Trường (Hương Sơn) lại khá “chai” với việc ngứa rát do các loại mùn cưa gây nên, nhất là những lúc đang làm thì bị ngược gió. Trong những lần đầu làm nghề, anh An đã nhiều lần đối diện với nguy hiểm khi đang đứng cưa thì gió bất ngờ đổi hướng khiến cây đổ không theo ý định.

Anh cho biết: “Hiện nay, thợ “cưa xăng” không lo thiếu việc, người nhiều mối thì có quyền lựa chọn mối nào dễ thì làm, còn người mới vào nghề thì mối nào cũng nhận. Làm nghề này, dần dần sẽ tích lũy được kinh nghiệm, có kinh nghiệm thì mối nào cũng có thể nhận bởi mối khó thường được trả công cao hơn. Ở vùng của tôi, người ta thường thuê hạ cây to, lâu năm ở trong vườn và thường là thế cây không thuận bởi các công trình xung quanh. Tôi đã gặp rất nhiều cây to mọc ở không gian hẹp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và công sức. Những mối như thế, có khi chỉ 1 cây cũng tính thành 1 ca với giá chừng 1-1,5 triệu đồng”.

“Cưa xăng” hiện đang là một nghề phụ khá phổ biến ở cả miền núi lẫn đồng bằng. Mặc dù khá nguy hiểm và vất vả nhưng đây cũng là một trong những nghề phụ cho thu nhập khá và không hiếm việc nên được nhiều người lựa chọn.

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.