Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

(Baohatinh.vn) - Đã trở thành thông lệ, ngày truyền thống Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm, những thành viên trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại gặp nhau trong bùi ngùi xúc động.

Căn nhà nhỏ của bà Tưởng Thị Diên (SN 1941 - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của tổ dân phố Hồng Sơn - phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh).

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Các bà Trần Thị Lan, Tưởng Thị Diên, Lê Thị Lương (từ trái sang phải) trong cuộc gặp mặt truyền thống năm nay.

Cuộc hội ngộ truyền thống năm nay của những nữ dân quân gái có phần trầm lắng hơn bởi chỉ có sự góp mặt của 3 thành viên: bà Tưởng Thị Diên, bà Trần Thị Lan (SN 1951) và bà Lê Thị Lương (SN 1954).

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Bức ảnh kỷ niệm về 9 nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng.

Bà Diên trầm ngâm: “Tổ thanh niên xung phong ngày ấy được thành lập năm 1966 có 13 người gồm 9 nữ, 4 nam, đến năm 1967, được tách riêng nam, nữ và Tiểu đội Dân quân gái thành lập từ đó. Năm 1969, do yêu cầu của tình hình mới, tiểu đội được bổ sung thêm 12 người. Sau chiến tranh, người còn, người mất. Giờ đây, tiểu đội còn 6 người, 3 người theo con đi sinh sống ở các tỉnh phía Nam, nay dịch bệnh không thể về, chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại”.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Ánh mắt trìu mến, cái nắm tay thật chặt, ký ức ùa về trong những câu chuyện của các bà.

Vắng bóng những người đồng đội thân yêu, bữa cơm gặp mặt của các bà cũng có phần đạm bạc hơn nhưng vẫn ấm áp và đầy ắp nghĩa tình. Ánh mắt trìu mến, cái nắm tay thật chặt, ký ức về những trận đánh hào hùng, những ngày tháng thanh xuân sôi nổi, nhiệt huyết trở về trong từng câu chuyện của các nữ dân quân anh hùng.

Với thân hình nhỏ nhắn nhưng bà Diên được biết đến là một tiểu đội trưởng gan dạ và lối chỉ huy sáng tạo. Bằng chiến thuật “bắn chẻ đầu”, bà đã chỉ huy chị em trong tiểu đội bắn rơi 3 máy bay trong vòng 27 ngày (từ 26/7 - 21/8/1968), phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 12 máy bay của đế quốc Mỹ và trở thành một trong 3 đơn vị tiêu biểu của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lúc bấy giờ.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Những kỷ vật thời chiến tranh được bà Diên gìn giữ gần nửa thế kỷ nay.

Lần dở những bức ảnh kỷ niệm, những huân huy chương ghi dấu chiến công của tiểu đội, bà Lê Thị Lương không khỏi bùi ngùi xúc động: “Bước ra từ cuộc chiến tàn khốc, được trở về cuộc sống hòa bình, với chúng tôi là niềm hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Nhìn Kỳ Phương đổi mới, chúng tôi càng thêm tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương”.

Dù được sống sót trở về nhưng các bà đều mang trong mình di chứng của chiến tranh, sức khỏe nay đã giảm sút nhiều. Hầu hết các chị em đều sống neo đơn khi chồng mất sớm, con cái làm ăn xa. Hoàn cảnh đó càng khiến họ xích lại gần nhau hơn.

“Ngày còn mười tám đôi mươi thì đùm bọc nhau trong mưa bom bão đạn, nay già rồi thì chia sẻ với nhau buồn vui trong cuộc sống hằng ngày. Dù không nhiều nhưng chị em vẫn lập được một quỹ chung, thường xuyên cho gia đình các thành viên vay vốn làm ăn, hỗ trợ con cháu học hành, thăm hỏi nhau khi ốm đau” - bà Trần Thị Lan chia sẻ.

Tuổi cao, không còn tham gia công tác đoàn thể tại địa phương nhiều như trước nhưng thành viên tiểu đội vẫn thường xuyên được mời tham dự các chương trình giao lưu, tọa đàm lịch sử với thế hệ trẻ. Từ những buổi nói chuyện đó, các bà đã trao truyền nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu đất nước cho thế hệ sau.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Thành viên Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương trong một buổi giao lưu với học sinh Trường Tiểu học Kỳ Phương (Ảnh tư liệu).

Rời căn nhà nhỏ của nữ tiểu đội trưởng anh hùng khi bóng chiều đã ngả, đi trên những cung đường bê tông dài rộng, phóng tầm mắt ra xa là những nhà máy, khu công nghiệp đang mọc lên trên mảnh đất Kỳ Phương nắng và gió, chúng tôi càng trân trọng hơn những sự hy sinh, mất mát lớn lao của thế hệ những người đi trước để cho quê hương đổi thay như ngày hôm nay.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.