Anh Nguyễn Đăng Sửu - chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc Sửu Hà (thôn Trí Nang, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà) xuất thân là kế toán doanh nghiệp. Vốn sẵn tính năng động, anh “rẽ lối” tìm đến nghề làm kẹo lạc. Sau hơn một năm “khăn gói” đi khắp các làng nghề sản xuất kẹo truyền thống của tỉnh Thái Bình học việc, năm 2016, anh trở về quê thành lập cơ sở sản xuất kẹo với tổng vốn đầu tư 500 triệu đồng.
Vạn sự khởi đầu nan, những mẻ kẹo đầu tiên chưa được ngon đúng điệu, sản phẩm tiếp thị đến các đại lý, cửa hàng không được suôn sẻ. Song, với ý chí quyết tâm, anh Sửu đã tìm ra công thức nấu kẹo ngon. Bởi anh hiểu, chỉ có chất lượng tốt mới làm nên thương hiệu trên thị trường.
Để sản phẩm kẹo lạc có vị ngọt thanh, thơm, đậm đà phải trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng và sự khéo léo của người làm nghề. Nguyên liệu làm kẹo lạc gồm: lạc, vừng, đường kính trắng và mạch nha, được anh Sửu tuyển chọn với các tiêu chí khắt khe; không sử dụng hóa chất tạo mùi; mạch nha loại ngon, chất lượng nhất làm hoàn toàn từ mầm cây lúa.
Để làm được một mẻ kẹo lạc ngon, giòn, thơm đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ. Lạc được sấy vừa chín vàng có mùi thơm. Ngoài lạc, vừng trắng cũng phải qua khâu tuyển chọn, lọc bỏ những hạt lép, giữ lại hạt trắng mẩy tròn, tăng thêm độ béo cho chiếc kẹo lạc.
Hỗn hợp làm kẹo gồm có mạch nha, đường kính trắng, bơ nhạt được đun trên bếp từ 5 -10 phút. Sau đó được trộn đều với lạc rang quyện lại với nhau sền sệt, nóng hổi thì đổ ra bàn có sẵn bột gạo chống dính, dùng chày cán phẳng đều tay để kẹo đảm bảo độ mịn và dày, rắc vừng rang chín, rồi cắt thành từng thanh dài 4-6cm.
Các thao tác trộn, cán kẹo phải phối hợp thật nhanh, nhuần nhuyễn, vì mạch nha để nguội sẽ cứng lại, cắt dễ bị vỡ vụn.
Tùy vào mức độ điều chỉnh máy định hình, kẹo được cắt thành từng miếng nhỏ.
Công nhân cẩn thận tách từng thanh kẹo.
Anh Sửu cho biết: Trước đây, việc chế biến kẹo lạc phải làm thủ công, mất nhiều sức lực, nay các công đoạn được hỗ trợ bằng máy móc như: máy rang lạc, máy xay lạc, máy nhặt lạc bắn màu, máy đóng gói, bếp điện, bếp gas. Nhờ đó, công việc sản xuất kẹo tại cơ sở gia đình đạt năng suất cao hơn, sản phẩm ra lò đều, đẹp, chất lượng ngon, trông bắt mắt hơn.
Trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường từ 1.500 – 2.000 gói kẹo các loại, cơ sở của anh Sửu thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu bán buôn cho các đại lý lớn ở Hà Nội, Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở đang giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 4 lao động thời vụ với mức lương từ 5-6 triệu/người/tháng.
Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống qua đại lý, cửa hàng tại các tỉnh, anh Sửu tận dụng tối đa hình thức bán hàng trực tuyến để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm tới người tiêu dùng.
Tháng 5/2023, cơ sở sản xuất kẹo lạc Sửu Hà đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Nhận thấy đây là một mô hình sản xuất vừa phù hợp với kinh tế hộ gia đình vừa tạo thêm sản phẩm hàng hoá nên sắp tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ cơ sở nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất, tạo điều kiện tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các dịp lễ hội lớn trong năm.