VIDEO: Trang trại nuôi ốc bươu đen rộng hơn 8.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Đức Phái
Sau khi lập gia đình với bà Trần Công Đoàn (SN 1984, người cùng xã) vào năm 2002, vợ chồng ông Nguyễn Đức Phái bắt đầu gây dựng kinh tế nhờ khai thác nhựa thông.
Tận dụng 4 ha rừng thông của gia đình, ông Phái bỏ thêm 60 triệu đồng mua 3 ha đồi trọc để trồng thông đồng thời thuê thêm một số diện tích thông có sẵn để khai thác mủ. Nhờ nhạy bén trong công việc, tính toán cụ thể, hợp lý nên nguồn thu từ khai thác thông của gia đình luôn ổn định, trung bình lợi nhuận mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng.
Cuối năm 2020, nắm bắt chủ trương của UBND huyện Đức Thọ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, vợ chồng ông Phái đã lên ý tưởng để chuyển hướng phát triển kinh tế.
Đầu năm 2021, ông Phái đầu tư hơn 120 triệu đồng thuê máy móc nạo vét, cải tạo khu vực ao rộng khoảng 1.000 m2 rồi thả hơn 20 vạn con ốc giống để nuôi thử nghiệm (UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng mua ốc giống).
Ông Nguyễn Đức Phái - chủ trang trại nuôi ốc bươu đen ở Đức Thọ.
“Ốc là loài ưa tĩnh, chỉ cần nước động là chúng thu mình, lặn xuống đáy hồ. Do đó, khi tiến hành cải tạo, tôi đã loại bỏ hết các loại cá trong ao rồi mới thả ốc giống. Ốc là loài dễ nhiễm bệnh và chết khi sống trong môi trường nước bị ô nhiễm, do đó, tôi luôn nhắc nhở người nuôi phải để ý đảm bảo nguồn nước cho ốc sinh trưởng”, ông Phái chia sẻ.
Sau 1 năm nuôi thử nghiệm, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen cho lợi nhuận cao, dần chủ động được con giống, ông Phái tiếp tục mở rộng mô hình. Với quỹ đất hơn 8.000 m2, ông xây dựng hệ thống nhà kho chứa ốc, trứng ốc và tiến hành đào thêm 4 ao nuôi, diện tích từ 300-1.000 m2/ao. Với 5 ao, ông Phái chia 2 ao để nuôi ốc lấy trứng, 3 ao nuôi ốc thịt.
Ông Phái cho biết, sở dĩ gia đình không đào ao lớn mà phải chia thành nhiều ao nhỏ để nuôi ốc bởi tập tính sống ven bờ của ốc, không sống ở giữa ao. Do đó, nếu đào ao quá rộng sẽ lãng phí diện tích giữa hồ.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho ốc khá rẻ. Ốc chỉ ăn các loại bèo cám, bèo tây, bèo hoa dâu và cây mùng, táy. Hiện, trang trại ốc của ông Phái có sẵn 1 ao phụ để nuôi bèo hoa dâu làm thức ăn và cung cấp bèo cho các hộ nuôi ốc nhỏ lẻ lân cận.
Bà Trần Công Đoàn - vợ ông Phái thu hoạch trứng ốc bươu đen.
Mỗi năm, trang trại của gia đình ông Phái cho 2 vụ thu hoạch ốc thịt. Vụ đầu tiên từ tháng 2 đến cuối tháng 4 (âm lịch); vụ thứ hai từ đầu tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch). Thời gian còn lại của năm, trang trại sẽ nuôi quy mô nhỏ hoặc cầm chừng vì ốc ngủ đông, chậm phát triển. Trung bình, mỗi năm 3 ao ốc thịt cho thu hoạch hơn 3 tấn ốc.
Trung bình, mỗi năm trang trại của gia đình ông Phái cho thu hoạch hơn 3 tấn ốc thương phẩm.
Đối với ốc lấy trứng, gia đình ông Phái sẽ tăng thêm lượng bèo vào tháng 3-5 (âm lịch) bởi đây là giai đoạn ốc cần nguồn thức ăn lớn để đẻ trứng. Trung bình, 2 ao ốc lấy trứng cho 2 kg trứng ốc/ngày vào giai đoạn cao điểm. Ngoài tự chủ nguồn giống, trang trại của ông Phái còn cung cấp ra thị trường 70-80 vạn con ốc giống/năm.
Mỗi năm trang trại còn cung cấp ra thị trường từ 70-80 vạn con ốc giống.
Ông Phái chủ yếu cung ứng ốc thịt và ốc giống cho thương lái hoặc hộ nuôi ở Đức Thọ, Hương Sơn và một số huyện lân cận tại Nghệ An. Với giá ốc bươu đen thương phẩm 80 nghìn đồng/kg; trứng ốc giá 400-900 nghìn đồng/kg; ốc giống 3 triệu đồng/1 vạn con; trung bình mỗi năm gia đình ông Phái thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận từ nuôi ốc bươu đen.
Ngoài ra, gia đình ông còn trồng thêm gần 200 gốc cam, chanh, chè để tăng thu nhập. Ước tính, mỗi năm gia đình ông Phái có thêm hơn 80 triệu đồng từ “nghề tay trái” này.
Mô hình nuôi ốc của gia đình ông Nguyễn Đức Phái là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của huyện Đức Thọ. Đây là một trong những mô hình đầu tiên áp dụng thử nghiệm nuôi ốc bươu đen của địa phương và mang lại lợi nhuận cao.
Hội Nông dân huyện Đức Thọ đã triển khai và tập trung mở rộng, xây dựng các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình nuôi ốc bươu đen. Hiện nay, toàn huyện có gần 70 mô hình nuôi ốc bươu đen, cho thu nhập ổn định.