Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Trần Quốc Hòa ở thôn Đông Tân...
Sau hơn một năm bắt tay vào nuôi ốc bươu đen, đến nay gần 4.000m2 mặt nước của ông Trần Quốc Hòa (thôn Đông Tân, xã Tân Lâm Hương) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Ông Hòa cho biết: “Năm 2021, nhận thấy ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên, nên sau khi tham khảo nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, tôi đã quyết định đầu tư nuôi loài động vật thân mềm này để nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình”.
Khi bước vào nuôi ốc bươu đen, ông Hòa đã thuê gần 4.000m2 mặt nước, đồng thời tiến hành cải tạo, xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi hoàn thiện hồ nuôi, ông Hòa chia diện tích này làm 24 ô và thả 4 vạn con ốc giống nhập từ Hà Nội cho lứa đầu tiên.
... có diện tích 4.000m2 mặt nước.
Ông Hoà chia sẻ: “Qua hơn 1 năm nuôi, tôi đã xuất bán được hơn 1,5 tấn ốc thương phẩm, thu về gần 140 triệu đồng. Từ nguồn thu này đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, có điều kiện mở rộng quy mô trong thời gian tới”.
Hiện tại ông Hoà vừa thả thêm 5 vạn ốc giống; ốc thích nghi và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 10 tới, với sản lượng khoảng 4 tấn.
Ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng
Theo ông Hòa, ốc bươu đen là loài dễ nuôi nhưng phải trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm.
Trong quá trình nuôi, để ốc khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều nhằm hạn chế tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Hồ nuôi ngoài việc phải được vệ sinh sạch sẽ bằng chế phẩm thì cần phải che mát cho ốc bằng các loại bèo, mực nước phải đảm bảo tùy theo điều kiện thời tiết.
Ông Nguyễn Ngọc Trí (thôn Bình Tiến) thu hoạch lứa ốc đầu tiên sau hơn 4 tháng nuôi.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen do ông Hòa đầu tư, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Lâm Hương đã đến học hỏi kinh nghiệm và từng bước nhân rộng để phát triển kinh tế.
Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, xã Tân Lâm hương đã có thêm 2 mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ ông Nguyễn Ngọc Trí (thôn Bình Tiến) với diện tích hơn 3.500m2 và ông Lê Văn Tùng (thôn Đông Tân) diện tích 3.000m2.
Lứa ốc thịt đầu tiên ông Trí dự kiến xuất ra thị trường khoảng 1 tấn, cho nguồn thu hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Trí chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi ốc bươu đen từ tháng 3/2022, đến nay, ốc sinh trưởng và phát triển tốt. Chi phí đầu tư ít, thức ăn đơn giản, đầu ra khá ổn định nên tôi rất yên tâm. Hiện nay, gia đình đang thu hoạch lứa đầu tiên, dự kiến sẽ xuất ra thị trường khoảng hơn 1 tấn ốc thịt, cho nguồn thu hơn 100 triệu đồng”.
Theo ông Trí, khi nắm được rõ kỹ thuật thì việc nuôi ốc bươu đen không quá khó, loài này dễ chăm sóc, lại có thời gian thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn cũng là những thứ có sẵn trong vườn như: lá sắn, xơ mít, các loại rau - củ - quả... Mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn 1 lần, lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc.
Ông Lê Văn Tùng (thôn Đông Tân) đang chăm sóc ốc bươu đen trên diện tích 3.000m2 của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: "Nghề nuôi ốc bươu đen mặc dù là mô hình mới trên địa bàn xã nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các gia đình, góp phần mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương, thực hiện việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi.
Chúng tôi hiện đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển thêm các mô hình, nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.