Đề xuất BHYT chi trả phí điều trị vô sinh hiếm muộn

Khoảng 7,7% dân số Việt Nam bị vô sinh, chi phí điều trị cao nhưng không được bảo hiểm y tế chi trả, các chuyên gia đề xuất đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm.

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đề xuất như trên tại hội thảo về dân số cuối tuần qua, với bối cảnh Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh ở mức cao, tổng tỷ suất sinh giảm, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Nhiều nước đã áp dụng chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhóm bệnh nhân hiếm muộn cần can thiệp hỗ trợ sinh sản. Tại Mỹ, khoảng 15 bang bảo hiểm chi trả cho điều trị vô sinh ở các mức độ khác nhau, toàn bộ hoặc một phần. Tại Nhật Bản, tất cả điều trị cơ bản như khám, thuốc, thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF), đều được bảo hiểm chi trả. Theo đó, chính phủ trả 70%, người điều trị trả 30%, tối đa 6 lần với một trẻ sinh ra cho nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi và tối đa 3 lần cho nhóm bệnh nhân 40-43 tuổi.

Còn ở Singapore, bảo hiểm chi trả 75% chi phí điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện công, tối đa 3 chu kỳ chuyển phôi tươi và 3 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Trong khi đó ở Việt Nam, chi trả y tế cho các dịch vụ điều trị hiếm muộn vẫn chưa được áp dụng.

“Chi trả BHYT toàn bộ hoặc một phần cho điều trị vô sinh, giảm viện phí, sẽ khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, duy trì tổng tỷ suất sinh”, ông Hùng nói, nhưng thêm rằng “việc này là một chặng đường dài, phải liên ngành mới có thể làm được”.

Hiện, cả nước có 54 trung tâm hỗ trợ sinh sản. Song, cứ một trong 3 phụ nữ được hỏi đều trả lời “không biết cơ sở điều trị vô sinh gần nhất ở đâu”; 69% phụ nữ được hỏi cho rằng chi phí điều trị vô sinh là rất đắt. Theo ông Hùng, đây là những khó khăn khiến phụ nữ ngại đẻ.

Ở Mỹ, chi phí thực hiện một ca IVF khoảng 25.000 USD (gần 600 triệu đồng). Tại Đông Nam Á, ở các nước như Philippines, Singapore, Thái Lan, chi phí IVF khoảng 250 triệu đồng. Trong khi đó, tại Việt Nam chi phí cho một ca IVF chỉ từ 70 triệu đồng - giá rất rẻ so với thế giới còn hiệu quả tương đương.

“Dù vậy, chi phí điều trị này vẫn là gánh nặng của không ít gia đình Việt Nam”, ông Hùng nói. Vô sinh hiếm muộn chưa nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Trong khi đó, chi phí điều trị hỗ trợ sinh sản là khoản chi tiêu rất lớn so với mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022.

Hồi tháng 6, trả lời VnExpress , GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, cũng đề xuất tương tự .

Người bị vô sinh hiếm muộn thường do nhiều nguyên nhân bệnh lý như u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng. Nghịch lý là bệnh nhân điều trị các bệnh này, như mổ bóc u xơ mà không có nhu cầu sinh con thì được BHYT chi trả phí, nhưng nếu kèm theo điều trị vô sinh bệnh nhân phải tự thanh toán toàn bộ chi phí. BHYT hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn.

Theo ông Tiến, ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được BHYT chi trả. Còn tại Việt Nam, với mệnh giá đóng bảo hiểm hiện tại, năng lực bảo hiểm chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF. Vì vậy, ông đề xuất: "Trước mắt, BHYT nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai".

Đề xuất BHYT chi trả phí điều trị vô sinh hiếm muộn

Hai em bé song sinh chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Lê Nga

Trước đề xuất này, đại diện cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết tương lai BHYT có chi trả cho điều trị hỗ trợ sinh sản hay không cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét trên cơ sở đánh giá ngân sách; tác động của chính sách mới đến quỹ BHYT, năng lực tài chính, quy định phù hợp mức hỗ trợ như thế nào...

“Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi và thảo luận, cân nhắc bổ sung mở rộng chi trả cho điều trị vô sinh cũng là một giải pháp”, đại diện BHXH nói.

Bộ Y tế ghi nhận khoảng 7,7% dân số Việt Nam bị vô sinh hiếm muộn, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô thứ phát 3,8%. Nguyên nhân vô sinh là do tỷ lệ phá thai cao, viêm nhiễm đường sinh dục, sử dụng dụng cụ tránh thai, cùng đó, hiểu biết về vô sinh còn hạn chế. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai ở mức cao. Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca phá thai, trong đó 56% trường hợp mang thai ngoài ý muốn do không dùng biện pháp tránh thai, gần 40% vì ngừa thai thất bại.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast