Đi chợ bằng làn - bạn tôi vẫn giữ thói quen ấy!

(Baohatinh.vn) - Một cửa hàng ở TP Hà Tĩnh không bao giờ dùng túi nilon hay túi giấy sử dụng 1 lần để gói hàng. Điều đó đã tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động bảo vệ môi trường của khách hàng.

Cho đến bây giờ, sau 5 năm hưởng ứng chiến dịch “Đi chợ bằng làn”, bạn tôi vẫn giữ thói quen không dùng túi bóng khi đi chợ. Rác trong nhà cô ấy, bất đắc dĩ lắm mới có nilon - là do các loại thực phẩm được cơ sở sản xuất đóng sẵn.

Thói quen sử dụng túi nilon phổ biến đang âm thầm gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất. Ảnh Internet

Tôi chợt nhớ tới chuyện này khi vừa hôm qua, đọc một bài đăng bán hàng của cửa hàng chuyên bán đồ Nhật, cuối bài họ có ghi chú: “Túi nilon giết cá! Túi giấy giết cây! Kính mong quý khách mang theo túi khi đi mua sắm để cùng chúng tôi loại bỏ túi dùng một lần”.

Vẫn biết, để thay đổi một thói quen lâu năm rất khó nhưng hành động kiên quyết của cửa hàng đó đã góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Sẽ có người chỉ tuân thủ yêu cầu của cửa hàng đó nhưng tôi biết, thông điệp của cửa hàng sẽ tác động đến suy nghĩ, nhận thức của nhiều người. Ít nhất cũng khiến họ dè dặt hơn khi sử dụng túi nilon, cao hơn nữa là đưa họ đến quyết định thay đổi thói quen.

Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người trong nhiều thập kỷ. Với ưu điểm tiện dụng, bền chắc, giá rẻ, túi nilon đang là vật dụng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ, đời sống sinh hoạt của mỗi người dân.

Đa phần túi nilon đều được sử dụng một lần rồi thải ra môi trường tạo thành rác thải khó phân hủy. Ảnh Internet

Tuy nhiên, chính thói quen sử dụng túi nilon phổ biến đang âm thầm gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất. Đa phần túi nilon đều được sử dụng một lần rồi thải ra môi trường tạo thành rác thải khó phân hủy. Nguy hiểm hơn là nếu xử lý rác nilon bằng phương pháp đốt thì sẽ thải ra môi trường loại khói có chứa chất độc dioxin và fuarn, gây ngộ độc, khó thở. Rất nhiều người vẫn nhận thức được điều đó nhưng trong một môi trường mà cả người bán lẫn đại đa số người mua vẫn chưa nghĩ đến việc thay đổi và vì sự thuận tiện thì họ cũng tặc lưỡi bỏ qua.

“Tôi không lấy túi bóng đâu!”. Đó là một câu nói rất đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Nó cần một quá trình nhận thức hoặc một tác động mạnh mẽ nào đó khiến con người thay đổi suy nghĩ. Tôi cũng đã từng nói như thế khi mua những loại thực phẩm có đóng gói sẵn. Và tôi thấy rất vui. Rồi dần dần, tôi cũng để sẵn trong xe mình những chiếc túi được may bằng vải dù, cả chiếc làn nhựa nữa.

Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã sử dụng các loại túi bằng vải dệt, dùng được nhiều lần khi đi chợ. Ảnh Internet

Mỗi lần đi chợ tôi sẽ mang theo chúng để đựng các loại thực phẩm. Trong trường hợp quên mang theo túi hoặc phải ship hàng, tôi cũng sẽ cố gắng lựa chọn những cơ sở kinh doanh sử dụng túi tự tiêu hủy. Dẫu chưa phải đã loại bỏ 100% túi nilon khỏi hoạt động đi chợ mua thực phẩm nhưng ít nhất, tôi cũng góp phần nhỏ bé bảo vệ môi trường sống.

Hiện nay, Chính phủ cũng như nhiều tổ chức đoàn thể đã phát động phong trào loại bỏ túi nilon khỏi thói quen sinh hoạt hằng ngày và ít nhiều cũng đã tác động đến nhận thức, hành động của người dân. Tuy nhiên, tính tiện dụng của túi nilon vẫn là yếu tố khiến nhiều người lựa chọn nó, nhất là người bán hàng. Vậy nên, câu từ chối: “Tôi không lấy túi bóng đâu” của người mua vẫn là một hành động cần thiết để thay đổi nhận thức, hành động của người bán. Và, từ chỗ từ chối túi bóng, người ta sẽ hướng đến từ chối các loại sản phẩm nhựa dùng một lần, các loại túi giấy để bảo vệ môi trường tốt hơn.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói