Thành phố Hà Tĩnh ngày càng khang trang, hiện đại.
“Đi đầu, bước trước” trong chống ngoại xâm
Giáo sư Phong Lê trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định: Nói đến người Nghệ (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) là người ta nghĩ đến tinh thần cách mạng kiên cường, dũng cảm và không lùi bước trước kẻ thù. Người Nghệ luôn là những người anh dũng, muốn lên trước, đi đầu trong mọi việc, kể cả những việc nguy hiểm, gian khổ. Họ không trốn tránh nhiệm vụ và sẵn sàng chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
Sử sách còn lưu danh những tấm gương kiên trung trong chống giặc ngoại xâm như: Mai Thúc Loan, cha con Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Tuấn Thiện, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp... Sự tuẫn tiết của Đặng Dung sau khi sa vào tay giặc Minh đã lay thức lòng yêu nước của bao người, cảm động mấy triều Lê. Vua Lê Thái Tổ đã ban sắc phong 2 cha con họ Đặng: “Tiết nghĩa công thần”; Vua Lê Thánh Tông cảm khái ban tặng câu đối: Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ/ Anh hùng vô nhị, nhị anh hùng. Nguyễn Biểu dám “ăn cỗ đầu người” coi khinh oai phong của kẻ địch. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp đã xuất hiện nhiều nhân tài, dũng tướng như Ngự sử Phan Huân, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Lê Ninh.
Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu.
Xô viết Nghệ Tĩnh chính là sự đột phá để ra đời một chính quyền công nông trên con đường đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, ngã xuống ở tuổi 27 với câu nói nổi tiếng, truyền lại cho đời sau về tinh thần yêu nước: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Tổng Bí thư tuổi 30 Hà Huy Tập bị địch bắt vẫn hiên ngang dõng dạc tuyên bố: “Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót xung phong lấy thân mình lấp lỗ châu mai, chắn đạn địch cho đồng đội xông lên giành chiến thắng.
Hà Tĩnh cũng là địa phương mà suốt cả cuộc chiến, thực dân Pháp không đứng chân nổi 24 giờ. Trong những năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, người dân Hà Tĩnh sẵn sàng dỡ nhà làm đường với khẩu hiệu nổi tiếng “Xe chưa qua nhà không tiếc”; lập nên một tượng đài bất hủ ở Ngã ba Đồng Lộc.
“Đi đầu, bước trước” trong xây dựng và phát triển kinh tế
Bước vào thời kỳ đổi mới cho đến những năm sau tách tỉnh (1991), khó khăn chồng chất. Một lần nữa, Hà Tĩnh thể hiện khí phách cách mạng “đi đầu, bước trước” khi đồng lòng, dốc sức thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của tỉnh về xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 14 về xóa nhà tranh tre dột nát.
Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước trong xây dựng NTM khi có phương pháp, cách làm, sự chủ động, sáng tạo.
Đồng chí Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể lại: Đây là 2 mũi đột phá có thể nói là tiên phong, độc đáo của Hà Tĩnh những năm 2001 - 2005, khi mà cụm từ “xây dựng NTM” còn rất lạ lẫm với đất nước ta. Thế nhưng, với quyết tâm, nghị lực của mình, chỉ sau 3 năm, toàn tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tranh tre dột nát cho hộ chính sách và hộ nghèo.
Hà Tĩnh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đề ra mục tiêu xây dựng NTM từ tỉnh đến các huyện, xã, thị trấn. Tôi còn nhớ như in nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khi về thăm xã NTM Gia Phố (Hương Khê) đã xúc động nói với mọi người: “Đây đúng là mô hình xã hội chủ nghĩa ở nông thôn Việt Nam!”.
Ý Đảng hợp lòng dân, chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân trên mọi miền quê Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng, tự giác tham gia và có sức lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng. Trong ảnh: Phát triển kinh tế vườn đồi - một trong những nguồn thu nhập chính của nông dân các huyện miền núi Hà Tĩnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ năm 2019 khi về dự hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM tại Hà Tĩnh đã nói với chúng tôi, đại ý: Hà Tĩnh, Nghệ An mình lạ lắm. Không chỉ trong chiến đấu đâu, mà ngay trong làm kinh tế, rất cách mạng, sáng tạo, đi đầu cả nước. Đại thủy nông Kẻ Gỗ trong làm thủy lợi, nay xây dựng NTM cũng ở tốp đầu cả nước. 10 năm xây dựng NTM, Hà Tĩnh 2 lần được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong dòng chảy của gần 2 thế kỷ danh xưng Hà Tĩnh, tính cách mạng bứt phá đi lên là sức mạnh để vùng đất này tồn tại, đứng vững trước thiên tai, địch họa. Có thể nói, chính quá trình chống thiên tai và kẻ thù xâm lược đã đem lại tính cách riêng của cộng đồng người Hà Tĩnh. Đó là kiên cường, dũng cảm, cứng rắn về nguyên tắc, dám đương đầu trước mọi thử thách. Sống trong điều kiện khắc nghiệt đó, người Hà Tĩnh luôn phải tìm cách thích nghi, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính cách mạng, dám nghĩ, dám làm với sự khôn khéo để có thể sống chung và tồn tại với thiên tai, lũ lụt.
Dù có thời điểm “chững” lại vì đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Hà Tĩnh đã có sự bứt phá ngoạn mục khi khép lại năm 2020 với kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Ảnh: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm 85,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Trong trào lưu hội nhập, phải biết điều hòa lại cái riêng của mình cho phù hợp. Vì vậy, để có một Hà Tĩnh luôn là địa chỉ cho con em xa quê, Nhân dân cả nước “đi mô rồi cũng nhớ về...”, từ người lãnh đạo đến mỗi người dân phải biết phát huy, kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống cách mạng, “đi đầu, bước trước” trong chiến tranh vệ quốc với sự mạnh dạn bứt phá, đi lên một cách biện chứng, khoa học để hội nhập và phát triển.
Một mùa xuân mới lại về. Bỏ lại đằng sau những gieo neo, thử thách, vất vả của năm cũ, một lần nữa ta càng hiểu hơn thế mạnh cũng như hạn chế của mình để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, viết tiếp những trang sử mới trong quá trình xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hạnh phúc.