Học viên ngành điều dưỡng thực tập ở một cơ sở dưỡng lão tại Hà Nội trước khi đi Nhật Bản - Ảnh: NGUYÊN BẢO
“Nếu lao động theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản, thu nhập 1.200 - 1.400 USD/tháng, còn đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS nhận trung bình 1.400 - 1.800 USD/tháng” - ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), thông tin cùng Tuổi Trẻ .
Nhiều chính sách mới
* Thưa ông, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay và sắp tới như thế nào?
- Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu nhân lực để phục vụ sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường cũng như cả trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan rất lớn. Các nơi này đang đối mặt với tình trạng dân số giảm, già hóa nên đang cần tuyển lao động từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Lao động Việt Nam được đánh giá là cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh nên được doanh nghiệp nước ngoài ưa thích, mong muốn tiếp nhận. Ngoài thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Đông Âu, Trung Đông, chúng ta sẽ mở rộng đưa người lao động đi làm việc ở Đức, Úc.
* Quy định, thủ tục, điều kiện để người lao động có thể đến các thị trường đang hút như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ra sao?
- Để đi Nhật Bản, người lao động đăng ký qua doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ hoặc các sở LĐ-TB&XH, trung tâm dịch vụ việc làm địa phương. Hoặc có thể đi theo chương trình ký kết giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản - IM Japan). Người lao động sau khi trúng tuyển được đào tạo tiếng Nhật trong thời gian làm thủ tục để xin vào làm việc tại Nhật theo hình thức thực tập sinh kỹ năng.
Với thị trường Hàn Quốc, người lao động đi theo chương trình cấp phép việc làm Hàn Quốc (chương trình EPS), phải học và thi tiếng Hàn. Khi đạt yêu cầu, phía Hàn Quốc sẽ lập danh sách gửi người sử dụng lao động bên đó, đăng tuyển và lựa chọn làm việc tại nhà máy, xí nghiệp theo thỏa thuận.
Khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS (visa E9). Ngoài ra, cũng có thể đi làm việc ở Hàn Quốc theo hình thức lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao (visa E7), hoặc thuyền viên đánh bắt cá đi làm việc trên tàu cá Hàn Quốc ven bờ và xa bờ.
Cơ hội rộng mở
* Quyền lợi của lao động thế nào khi tham gia các chương trình nói trên?
- Các chương trình EPS, IM Japan giúp lao động trẻ tiết kiệm chi phí rất nhiều so với đi theo các doanh nghiệp dịch vụ. Vì là chương trình hợp tác phi lợi nhuận nên người lao động đi theo chương trình này chỉ mất chi phí phái cử 630 USD (tiền vé máy bay, visa...) đối với lao động đi theo chương trình EPS và khoảng 5 triệu đồng chi phí học 3 tháng theo chương trình IM Japan.
Ngoài mức thu nhập như tôi nói ở trên, thực tập sinh chương trình IM Japan về nước đúng hạn còn nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam từ 600.000 - 1 triệu yen (tương đương 100 - 180 triệu đồng). Các bạn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần chủ động tìm hiểu kỹ yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, điều kiện làm việc, thu nhập của từng nước và khả năng tài chính của bản thân.
* Người lao động cần chuẩn bị gì nếu muốn làm việc lâu dài ở Hàn Quốc, Nhật Bản?
- Với chương trình IM Japan, sau 5 năm, các bạn có thể chuyển sang lao động đặc định với thu nhập cao hơn rất nhiều vì đã có tư cách lao động làm việc chính thức theo quy định của Nhật Bản.
Ở Hàn Quốc, sau 4 năm 10 tháng làm theo quy định, nếu có khả năng, ngoại ngữ khá, bạn đăng ký chuyển đổi tư cách làm việc ở vị trí cao hơn. Người lao động có thể được quay trở lại làm việc ở Hàn Quốc theo hình thức visa E9 hoặc chuyển sang visa E7. Visa E7 đem lại mức lương rất cao, được hỗ trợ sinh hoạt phí, bảo lãnh người thân sang sinh sống và làm việc ở nước sở tại.
Hàn Quốc chỉ ký hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chương trình EPS, do các đơn vị nhà nước hai bên triển khai, không có sự tham gia của doanh nghiệp. Đặc biệt, Hàn Quốc đang thiếu nhiều lao động trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề cao lĩnh vực đóng tàu biển nên chính sách mới giảm các điều kiện, tiêu chuẩn tiếp nhận lao động nước ngoài. Đồng thời, nước này nâng hạn ngạch lao động nước ngoài với ngành này cả chục nghìn chỉ tiêu/năm.
Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để tổ chức đào tạo, đưa người lao động đi Hàn Quốc. Một số trường hợp thu thêm tiền, hứa hẹn nọ kia nhưng điều kiện của lao động visa E7 rất khắt khe, ngoài trình độ cao phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, cả kinh nghiệm làm việc theo yêu cầu của phía Hàn Quốc.
Lương tương ứng với chuyên môn, kỹ năng tốt Khi làm việc ở nước ngoài, lao động trẻ cần chủ động học hỏi, nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ, tiếp thu kiến thức, công nghệ, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm để khi trở về có thể làm tại nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các công ty tại Việt Nam rất chào đón và sẵn sàng bố trí công việc, vị trí làm việc, trả lương tương xứng cho ứng viên có trình độ, ngoại ngữ tốt. Hoặc những bạn có kiến thức, kinh nghiệm có thể kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp khi về nước. |
Tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa
Hết tháng 7-2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 81.429 người (29.999 lao động nữ). Nhiều nhất là tại Nhật Bản 45.754 người, Đài Loan 29.987 người, Hàn Quốc 1.523 lao động...
Các bạn trẻ muốn tham gia chương trình cần tìm hiểu thông tin, liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước (ĐT: 024.3824.9517 hoặc website: dolab.gov.vn) để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc cũng như nguy cơ bị lừa đảo bởi tổ chức, cá nhân trái phép.