Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 30/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo người phát ngôn NHC Mễ Phong, trong 14 ngày qua, đã có 14 tỉnh, thành của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng hoặc các ca nhiễm không có triệu chứng. Ông thừa nhận “đợt dịch lần này vẫn đang diễn biến nhanh chóng”.
Hắc Hà - một thành phố nhỏ với 1,3 triệu dân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, giáp giới với Nga, thông báo có 26 ca mắc mới trong ngày 29/10, tăng gần gấp 3 so với 1 ngày trước đó. Giới chức NHC cho biết kết quả theo dõi và giải mã gene cho thấy ổ dịch ở Hắc Hà không liên quan đến đợt bùng phát dịch đang diễn ra ở vùng Tây Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy nguồn lây nhiễm có thể thâm nhập từ nước ngoài.
Tuần trước, NHC nhận định các ca nhiễm được phát hiện kể từ ngày 17/10 ở các vùng miền Bắc và Tây Bắc nước này có thể bắt nguồn từ nước ngoài.
Các thị trấn biên giới của Trung Quốc - những nơi có tương đối ít nguồn lực, có xu hướng bị thiệt hại nhiều hơn so với các thành phố lớn khi dịch bệnh bùng phát. Nhà chức trách các thành phố lớn cam kết sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các sự kiện quốc tế quan trọng để giảm thiểu nguy cơ virus thâm nhập từ bên ngoài vào.
Phát biểu khi đi thị sát các thành phố Lan Châu và Thiên Thủy, thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, Phó Thủ tướng nước này Tôn Xuân Lan đã hối thúc thực thi các biện pháp quyết liệt và hiệu quả nhằm kiểm soát sự gia tăng trở lại các ca mắc mới COVID-19.
Bà nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường xét nghiệm axit nucleic, cũng như đẩy nhanh việc điều tra dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Tôn Xuân Lan, giới chức các địa phương cần nỗ lực ngăn chặn các ca nhập cảnh và việc tái bùng phát dịch bệnh tại địa phương, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng ở các khu vực miền Tây, Sun nhấn mạnh.
Số ca nhiễm trong đợt dịch lần này tại Trung Quốc vẫn thấp so với nhiều quốc gia khác. Hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID-19”, kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới và cảng biển nhằm ngăn chặn các ca nhập cảnh.
Để tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 an toàn, các vận động viên và nhân viên người Trung Quốc tham gia sự kiện này phải được tiêm mũi vaccine tăng cường, trong khi các vận động viên nước ngoài được khuyến khích, nhưng không bắt buộc, tiêm mũi vaccine thứ 3.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3-11 tuổi vào cuối tháng 12 tới. Tính đến nay, khoảng 75,8% trong số 1,4 tỷ người dân nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng, và những người đủ điều kiện đang được tiêm mũi tăng cường.
Cũng trong ngày 30/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước công nhận loại vaccine được tiêm dựa trên danh sách được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Lời kêu gọi được đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Rome (Italy).
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp 1,6 tỉ liều vaccine COVID-19 các loại cho thế giới và đang hợp tác sản xuất vaccine với 16 nước khác.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các công ty nên chuyển giao công nghệ vaccine cho các nước đang phát triển, kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới tạm hoãn các quy định liên quan bằng sáng chế vaccine.
Trung Quốc có hai loại vaccine nằm trong danh sách phê duyệt sử dụng khẩn cấp của WHO là Sinovac và Sinopharm/BBIBP.