Hai tỉnh của Lào giáp Hà Tĩnh “hút” khách du lịch

(Baohatinh.vn) - Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào cho biết, sau khi tình hình dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới có dấu hiệu từng bước được khống chế, từ ngày 9/5/2022 lại nay, Chính phủ Lào đã triển khai chính sách mở cửa trở lại đất nước nhằm thu hút khách du lịch, qua đó giúp ngành du lịch nước này từng bước phục hồi.

Hai tỉnh của Lào giáp Hà Tĩnh “hút” khách du lịch

Du khách đi thuyền ngắm cảnh trên sông Xan, tỉnh Bolikhamxay.

Tổng cục Du lịch Lào cho biết, hơn 3 tháng sau khi mở cửa hoàn toàn đất nước kể từ ngày 9/5, lượng khách quốc tế đến Lào đạt gần 212.000 lượt khách; trong đó, tỉnh có lượng khách du lịch đến nhiều nhất là Khammuan 161.000 lượt và Savannakhet 120.000 lượt. Tỉnh Bolikhamxay giáp Hà Tĩnh cũng đón 11.500 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Du khách đến Lào chủ yếu tìm đến những vùng thiên nhiên hoang sơ, gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thuận tiện giao thông đường bộ, kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam như: Thủ đô Vientiane, tỉnh Vientiane, Huaphanh, Xiengkhuang, Bolikhamxay, Khammuan, Savannakhet, Sekong, Champasak và Attapeu.

Hai tỉnh của Lào giáp Hà Tĩnh “hút” khách du lịch

Một điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vừa được xây dựng tại tỉnh Oudomxay.

Riêng cố đô Luang Prabang, mặc dù đã được kết nối đường sắt cao tốc Lào - Trung nhưng lượng khách vẫn ít hơn mọi năm, chỉ đạt 98.000 lượt khách.

Cũng theo Tổng cục Du lịch Lào, khách du lịch nước ngoài tới nước này chủ yếu đến từ các nước ASEAN (gần 200.000 lượt), khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gần 8.400 lượt), châu Âu (khoảng 2.500 lượt), châu Mỹ (gần 2.000 lượt), châu Phi và Trung Đông (gần 250 lượt khách).

Hiện Lào đang triển khai thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour, tuyến mới phục vụ nhu cầu của dòng khách ngoại.

Chú trọng du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đầu tư xây dựng thêm các cơ sở lưu trú,du lịch ngoài trời, trở về thiên nhiên; du lịch gắn với công nghệ cao, đáp ứng tính linh hoạt của du khách trong suốt hành trình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast