Tổng giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu 2023 sẽ khó khăn hơn

Các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều đang suy yếu trong 2023, theo đánh giá của lãnh đạo IMF.

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa cảnh báo, kinh tế thế giới trong năm mới sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân là ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – vốn là động lực chính của tăng trưởng, đều đang giảm tốc.

Tổng giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu 2023 sẽ khó khăn hơn

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters

Bà Georgieva cho biết, lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 có thể bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Ngoài ra, các ca nhiễm Covid-19 dự kiến bùng phát tại đây trong những tháng tới có thể tác động đến nền kinh tế tỷ dân trong năm nay, từ đó ảnh hưởng chung đến kinh tế thế giới.

“Tuần trước, nơi tôi sống không có ca nhiễm Covid-19. Nhưng điều này sẽ không kéo dài khi mọi người bắt đầu đi du lịch”, bà Georgieva cho biết sau chuyến công tác Trung Quốc cuối tháng 12.

Trong khi đó, bà cho biết, kinh tế Mỹ có thể thoát khỏi đình trệ nhờ vào thị trường lao động mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giữ ổn định ở mức 3,7% trong tháng 11/2022 và tạo ra thêm 263.000 việc làm mới, theo số liệu báo cáo việc làm hàng tháng công bố ngày 2/12. Các nhà kinh tế cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thay đổi và nước này sẽ có thêm 185.000 việc làm.

“Mỹ có khả năng phục hồi đáng kể”, đại diện IMF nói. Tuy nhiên, thực tế này cũng tiềm ẩn rủi ro vì nó có thể cản trở quá trình Fed cần đạt được trong việc đưa lạm phát của Mỹ trở lại mục tiêu.

Trong khi đó, bà Georgieva cho biết, một nửa Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy thoái kinh tế trong năm sau. Ngoài ra, triển vọng của các thị trường mới nổi có thể còn tồi tệ hơn vì mức nợ và việc đồng USD mạnh lên. Theo IMF, một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023.

Vào tháng 10, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 xuống còn 2,7%, phản ánh sự kéo dài liên tục của cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao. Nếu không tính khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm đại dịch lên đỉnh điểm, đây sẽ là năm tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ 2001.

Theo Đức Minh (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast