Điều gì đang ghìm giá dầu?

Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang phát đi tín hiệu giảm tốc, trong khi khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, diễn biến này đã lấn át nỗ lực siết nguồn cung của OPEC+.

Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7, nhưng điều đó là không đủ để duy trì đà tăng cho giá dầu. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 74 USD/thùng, trước khi phục hồi về quanh mức 76 USD/thùng.

CNBC đưa tin theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm.

Mức giảm này cao hơn đáng kể so với con số 3,6% của tháng 4 và dự báo 4,3% của các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát.

Điều gì đang ghìm giá dầu?

Biến động của giá dầu trong 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics

Trung Quốc không bùng nổ

Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn dự báo 0,3% và chỉ nhỉnh hơn tốc độ 0,1% hồi tháng 4 - mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Lạm phát CPI ở mức thấp và tình trạng giảm phát PPI tại Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với bức tranh lạm phát ở các nền kinh tế lớn khác. Nhưng đây cũng là vấn đề đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng PPI sụt giảm vì nhu cầu nói chung suy yếu, đi kèm với giá cả hàng hóa trên toàn cầu đang hạ nhiệt.

Theo chỉ số quản lý thu mua (PMI) được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, các hoạt động trong khu vực dịch vụ đã giảm tốc tăng trưởng trong tháng 4, còn hoạt động sản xuất ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Cả hai bộ PMI đều cho biết giá cả đầu vào lẫn đầu ra trong sản xuất đã giảm. Giá lao dốc sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận, từ đó cản trở đầu tư sản xuất. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy giảm phát.

Đây không phải tin tốt cho thị trường dầu khi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Trước đó, giới quan sát tin rằng đà phục hồi của nền kinh tế 1,4 tỷ dân sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu, từ đó lấn át những lo ngại về một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ.

Nhu cầu đối với nhiên liệu sẽ bị đè nặng nếu các hoạt động kinh tế như sản xuất, vận tải và di chuyển yếu đi.

Các nền kinh tế lớn lao đao

Kinh tế Mỹ cũng đang ngấp nghé bờ vực suy thoái sau các đợt tăng lãi suất điều hành dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Để hạ nhiệt lạm phát, cơ quan này buộc phải kìm hãm tăng trưởng kinh tế bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Năm ngoái, giá xăng tại Mỹ đã vọt lên mức cao kỷ lục, đè nặng lên túi tiền và làm chao đảo cuộc sống của các hộ gia đình nước này.

Nhưng theo dữ liệu được công bố hôm 8/6 (giờ Mỹ), vào tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất một năm rưỡi. Điều này cho thấy các động thái của Fed đã phát huy tác dụng.

“Chúng tôi cho rằng Mỹ, giống như nhiều nền kinh tế khác, sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay”, ông Jarrod Kerr - chuyên gia kinh tế trưởng tại Kiwibank - nhận định. Điều này sẽ được thể hiện trong số việc làm mới, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và những số liệu khác.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 8/6, sau khi điều chỉnh, GDP của khu vực đồng euro giảm 0,1% trong quý I so với quý cuối năm ngoái. Đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của khu vực ghi nhận mức giảm.

Như vậy, khu vực đồng euro đã chính thức rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật. Một nền kinh tế được cho là suy thoái kỹ thuật khi trải qua 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Các tín hiệu tiêu cực từ những nền kinh tế lớn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu, bất chấp mong muốn ổn định giá dầu của các thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh).

Trước đó, giá dầu chuẩn toàn cầu đã tăng mạnh sau khi Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7.

Như vậy, sản lượng dầu thô của nước này sẽ bị cắt giảm còn 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong nhiều năm. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - nhấn mạnh rằng ông “sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để mang lại sự ổn định cho thị trường”.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo Zing

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.