Đối thoại Shangri-La nóng ngay từ đầu

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 15, còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD), chính thức bắt đầu với bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào tối 3-6 tại Singapore.

Yêu sách chủ quyền quá đáng

Trước tổng cộng hơn 600 đại biểu từ các nước ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, nhà lãnh đạo Thái Lan kêu gọi các nước tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nên lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu. “Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS” - ông Prayuth nói, trong đó có đề cập tới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Trước đó, hội nghị này đã nóng lên từ sớm vì những cuộc gặp song phương của các bộ trưởng quốc phòng cũng như giới chức các nước trong suốt ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài 3 ngày. Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ đối đầu gay gắt về vấn đề căng thẳng biển Đông tại hội nghị quy tụ ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng này. Đáng chú ý là hai bên lại không có kế hoạch gặp song phương bên lề.

Viết trên một tờ báo địa phương trước thềm SLD, ông Chu Bố, giảng viên danh dự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nhiều người tin vào một cuộc đối đầu “không thể tránh khỏi” giữa hai cường quốc. Dù vậy, theo ông Chu, quan hệ Mỹ - Trung “rất linh hoạt, phần vì mỗi bên đều không đủ khả năng để giải quyết những hậu quả của một cuộc xung đột hay đối đầu”.

doi thoai shangri la nong ngay tu dau

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào ngày 4-6Ảnh: REUTERS

Ngay cả khi không có cuộc gặp Mỹ - Trung nào nhưng tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông vẫn phủ bóng hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại SLD. Gặp người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen, ông Carter không quên đề cập vấn đề nóng bỏng ở châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm qua: Câu chuyện tuyên bố chủ quyền trên biển của nhiều quốc gia.

Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Một số tuyên bố chủ quyền tỏ ra quá đáng… Bất cứ hành động nào như vậy đều mang tính khiêu khích và gây bất ổn… Nhưng điều đó sẽ không ảnh hướng tới hoạt động của chúng tôi”. Dù không nêu cái tên cụ thể nào song ai cũng biết ông Carter muốn nói đến Trung Quốc, quốc gia đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì hoạt động xây dựng, bồi lấn phi pháp trái phép ở biển Đông thời gian qua.

Philippines dội gáo nước lạnh

Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bất ngờ tăng nhiệt ngay trước thềm SLD. Trong cuộc họp báo thường niên hôm 3-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng chỉ trích việc Philippines gọi đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một bãi đá trong đơn kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan. Bà Hoa nhấn mạnh hành động này của Manila cho thấy mục tiêu thật sự của phiên tòa nhằm “phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc” đối với Trường Sa.

Cùng ngày, báo giới Philippines đăng tải tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte khẳng định nước này “sẽ không bao giờ nhượng lại quyền của mình ở bãi cạn Scarborough (đang bị Trung Quốc chiếm giữ) ở biển Đông”. Tuyên bố thẳng thừng này không khác gì gáo nước lạnh xối vào Bắc Kinh khi chỉ một ngày trước đó, nước này còn tỏ ra rất hỉ hả “hoan nghênh đề nghị đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp biển Đông của chính phủ mới ở Philippines”.

Theo ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành Văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh), đơn vị tổ chức SLD, hiện có nhiều suy đoán về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc ở biển Đông, nhất là khi PCA sắp ra phán quyết. Có mặt ở Singapore để tham dự SLD, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hôm 3-6 cảnh báo về những hậu quả đáng sợ nếu Trung Quốc làm ngơ phán quyết của PCA. Ông McCain cảnh báo Bắc Kinh sẽ đối mặt sự chỉ trích của cả thế giới, đồng thời hối thúc nước này từ bỏ kiểu hành xử hung hăng với các quốc gia láng giềng.

Chương trình nghị sự dày đặc

Tâm điểm trong ngày làm việc thứ hai của SLD (4-6) là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại phiên họp toàn thể đầu tiên có chủ đề “Đương đầu những thách thức an ninh phức tạp của châu Á”. Chiều tối cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Bùi Văn Nam sẽ đọc tham luận trong phiên họp kín về “Quản trị căng thẳng ở biển Đông”. Ngày làm việc này còn có một số phiên họp kín về nhiều nội dung, như đối phó mối đe dọa của Triều Tiên, những thách thức an ninh của khủng hoảng di cư và tăng cường hợp tác chống lại chủ nghĩa khủng bố ở châu Á.

Phiên họp toàn thể thứ 4 có chủ đề “Các thách thức trong giải quyết xung đột” là nội dung thu hút nhiều quan tâm trong ngày làm việc cuối cùng 5-6. Đáng chú ý, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này. Đô đốc Tô Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, sẽ phát biểu ngay sau Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Mỹ cần UNCLOS

Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu quốc hội nước này phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với hy vọng tăng cường sức mạnh của Washington trong cuộc giằng co với Trung Quốc trên biển Đông. Ông Obama đưa ra đề xuất đó khi phát biểu tại Học viện Không quân Mỹ ở bang Colorado hôm 2-6, trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi pháp.

Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Nếu chúng ta thực sự lo ngại về các hành vi của Trung Quốc ở biển Đông thì Thượng viện nên giúp tăng cường vị thế của Mỹ bằng cách phê chuẩn UNCLOS”. Theo hãng tin Jiji (Nhật Bản), các hành động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc khiến các nước láng giềng thực sự lo ngại, đặt ra yêu cầu Washington cần có các biện pháp đối phó trực diện. Nhà Trắng tin rằng việc Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS làm giảm tiếng nói của Mỹ trong vấn đề giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực.

Những căng thẳng leo thang ở biển Đông khiến tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) e ngại chi tiêu quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gần 23% vào cuối thập kỷ này. Theo bài viết đăng ngày 2-6, tổng chi tiêu quốc phòng thường niên toàn khu vực này sẽ tăng từ 435 tỉ USD năm 2015 lên 533 tỉ USD vào năm 2020. “Một số nước ven biển Đông dường như đang đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và không có dấu hiệu cho thấy xu hướng này sắp kết thúc” - nhà phân tích Craig Caffrey thuộc tạp chí IHS Jane’s nhận định.

Trung Quốc là nước chi tiêu cho quân sự mạnh tay nhất khu vực, với con số chính thức là 146 tỉ USD vào năm ngoái. IHS Jane’s dự đoán ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh sẽ tăng khoảng 5%, lên 233 tỉ USD vào năm 2020.

Theo NLĐ

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.