Dòng họ hiếu học của làng Bia

(Baohatinh.vn) - Bên dòng sông Đông êm đềm (thuộc địa phận phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh ngày nay) có một ngôi làng nghèo mà người xưa vẫn quen gọi là làng Bia (nay là Nhật Tân). Dân làng Bia bao đời nhọc nhằn, nghèo khó nhưng tinh thần hiếu học ít nơi sánh kịp. Tiêu biểu cho truyền thống quý báu ấy là dòng họ Lê Đình.

dong ho hieu hoc cua lang bia

Nhà thờ họ Lê tại KP Nhật Tân (phường Thạch Linh)

Năm 1685, ông tổ của dòng họ Lê Đình là Thỉ Thiêm theo ông Thạch (họ Nguyễn Văn) từ Thanh Hóa vào xã Tôn Lộ (Thạch Linh ngày nay) sinh sống. Ông lập gia đình, sinh con đẻ cái và lập nên họ Lê Đình cho đến ngày nay đã là 331 năm. Ông Thỉ Thiêm làm quan dưới 3 triều vua Lê (Thuần Tông, Ý Tông, Hiển Tông) nhưng dài nhất vẫn là dưới thời vua Lê Hiển Tông (lên ngôi năm 1740, lấy hiệu là Cảnh Hưng).

Cũng như bao người dân làng Bia thời bấy giờ, cuộc sống của những người con họ Lê khó khăn, vất vả, nhưng họ sớm ý thức được tầm quan trọng của học vấn. Những bậc tiền bối vượt qua khó khăn, chăm lo đèn sách, dùi mài kinh sử với một ý chí sắt đá: “Đói cơm, thiếu áo nhưng không thể đói chữ, vì đói chữ là đói đạo lý” và họ truyền lại tinh thần hiếu học ấy cho thế hệ con cháu.

Khát vọng tri thức ấy đã hối thúc con cháu họ Lê bao đời tìm đến con đường học vấn. Cũng nhờ chữ nghĩa, tri thức mà các ông Phúc Thiện, Hòa Trực, Phó Thiên Hộ, Bách hộ đội trưởng, Nguyễn Văn Toái (người gốc họ Lê Đình tại Thanh Hóa - 2 lần được triều đình nhà Lê ban sắc phong), Lỗ Trai, Lê Đình Lan được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lê, Nguyễn.

dong ho hieu hoc cua lang bia

Sắc phong triều đình nhà Lê ban cho một người con của gia tộc họ Lê.

Sau thế kỷ XX, dòng họ có nhiều người đỗ đạt, thông thạo chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ và cả chữ Tây như Lê Đình Phương, Lê Đình Khản, Lê Đình Trí, Lê Đình Cúc. Đặc biệt, Lê Đình Phương được coi là người uyên thâm về Nho học của phủ Thạch Hà lúc bấy giờ. Cách mạng tháng Tám thành công, truyền thống hiếu học của dòng họ càng được phát huy mạnh mẽ. Hầu hết con cháu trong dòng họ đều biết chữ và trở thành những người thầy cho phong trào Bình dân học vụ, mang con chữ về cho người dân trong làng.

Tiếp nối truyền thống đáng tự hào của cha ông mình, con cháu họ Lê ngày nay vẫn coi sự học là niềm vui, lẽ sống, là hành trình đến tương lai. Hiện nay, dòng họ đã có đến 40 cử nhân, 4 thạc sĩ và 2 tiến sĩ. Nhiều gia đình trở thành gia đình hiếu học xuất sắc như Lê Đình Tuấn, Lê Đình Hoàng Kầm, Lê Đình Thế Hùng, Lê Đình Phúc, Lê Đình Thọ…

Những cái tên như Lê Đình Sơn, Lê Đình Tứ, Lê Cẩm Thạch, Lê Nhật Nam, Lê Đình Hồng Nhật, Lê Đình Trọng Nghĩa, Lê Nguyễn Nhật Linh, Phan Mạnh Tân (cháu ngoại)… đều học hành đỗ đạt, thành danh trên nhiều lĩnh vực, cho đến thế hệ mầm non tương lai như cháu Lê Nguyễn Lan Anh, Lê Uyển Chi (mới 6 tuổi nhưng đã được đặc cách lên lớp 2 tại Hoa Kỳ, thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha và học thêm tiếng Trung) đã góp phần làm rạng danh thêm cho dòng họ khoa bảng.

dong ho hieu hoc cua lang bia
dong ho hieu hoc cua lang bia

Giấy khen của các cấp, ngành là sự ghi nhận của cộng đồng đối với những thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ khoa bảng.

Một trong những người con tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của dòng họ phải kể đến là Lê Đình Tĩnh. Năm 1994, Tĩnh thi đậu 4 trường đại học và đã chọn Học viện Quốc tế để theo học. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh được giữ lại làm cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại học viện. Tốt nghiệp cao học tại Mỹ, nhiều năm liền, anh là thư ký cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao rồi được đề bạt làm Trưởng phòng Thư ký của bộ. Năm 2012, được đề bạt làm Phó Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao; năm 2013 được đề bạt làm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao; cuối 2013, sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ, anh được cử làm Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhờ thành tích trong nghiên cứu và công tác, anh được Bộ Ngoại giao đánh giá cao; được Chính phủ tặng bằng khen.

Với những thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, đại diện dòng họ đã nhiều lần được mời tham gia báo cáo điển hình gia đình hiếu học tại phường, thành phố và tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen là dòng họ hiếu học tiêu biểu xuất sắc; UBND thành phố tặng giấy khen cho dòng họ có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động xây dựng “Gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học”. Đó là sự ghi nhận của cộng đồng đối với những thành tích mà dòng họ đạt được, là động lực để con cháu họ Lê quyết tâm, phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức, làm rạng danh dòng họ, quê hương.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.