Video: Mùa thu hoạch quả cọ ở Hà Tĩnh
Chẳng biết từ bao giờ, cây cọ (còn gọi là cây tro) đã có mặt trên nhiều miền quê Hà Tĩnh. Trước đây, gần như nhà nào cũng đều trồng cọ trong vườn, chủ yếu để lấy lá - nhiều thì bán, ít thì để dùng lợp một số công trình trong gia đình. Ngày nay, dù lá cọ không còn được dùng nhiều như trước, nhưng nhiều gia đình vẫn lưu giữ lại cây cọ làm bóng mát, cảnh quan như một nét hồn quê...
Tại xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà), nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ được hàng chục cây cọ trong vườn. Vào quãng giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm là những cây cọ bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 (âm lịch) là những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ ngả màu xanh da trời rồi chuyển sang xanh đậm.
Khi màu vỏ quả cọ bắt đầu chuyển sang xanh đen, ấy là lúc người dân bắt đầu hái xuống rồi xát sạch vỏ, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Cọ là món quà quê đã gắn bó với nhiều người dân Thạch Sơn từ ngày còn nhỏ nên dẫu bây giờ cuộc sống hiện tại đã có nhiều điều mới mẻ nhưng quả cọ vẫn được mọi người nâng niu như một “sản vật” mỗi độ đông về.
Cọ sau khi hái, sẽ được đưa vào chiếc rổ lớn rồi dùng tay xát mạnh và liên tục để làm sạch lớp vỏ. “Quả cọ ăn sống có vị chát, nhưng khi qua chế biến, những món ăn từ cọ lại có thêm vị ngọt bùi, béo ngậy. Những quả cọ ngon nhất là những quả được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá. Vì quả cọ mọc từ những cây đã bị chặt lá thường còi cọc, hạt to, vị chát, mất mùi vị đặc trưng của cọ”- anh Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, khi om hoặc hấp cọ phải giữ nhiệt độ khoảng trên dưới 70 độ C. Bởi, nếu nước nguội quá cọ sẽ không chín, còn nóng quá sẽ làm cho quả mềm nhũn, mất hết vị béo bùi đặc trưng. Do đó, người hấp cần biết nhiệt độ nước và thời gian hấp để quả cọ khi vớt ra ăn vừa ngon. Thường thì để cọ chín và giữ được vị bùi béo chỉ cần hấp 15 phút là có thể thưởng thức.
Cọ có vị chan chát mà bùi bùi rất riêng của món ăn quen thuộc và gần gũi với bao thế hệ, đi xa lại thấy nhớ.
Ngoài những đĩa cọ hấp thơm ngon, bùi bùi, loại quả này còn chế biến được nhiều món như làm cọ muối, kho với thịt, cá...
Nhâm nhi món cọ hấp bên ly chè xanh trong những cơn gió đầu mùa se lạnh, ông Nguyễn Tiến Mưu (85 tuổi) thấy ấm áp lạ thường: “Ngày cái đói còn đeo đuổi người con xứ Nghệ - Tĩnh xưa, quả cọ chính là “ân nhân” của dân nghèo ngày ấy. Giờ đây, khi được nếm lại những hương vị của ngày xa xưa, ta lại thêm yêu quý những kỷ niệm cũ và biết trân trọng hơn những gì đang có”.