Thoát nghèo nhờ vót đũa
Người được coi là khai sáng ra nghề làm đũa cau rừng là vợ chồng bà Lê Thị Thanh và ông Lê Thanh Chiên. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Thanh có một sức khỏe tương đối dẻo dai và hoạt bát. Khi hỏi về nghề đũa bà bồi hồi kể lại. Gia đình ông bà vốn rất nghèo, ngoài làm ruộng, ông Chiên còn phải đi chặt củi đem bán nhưng nhà vẫn không đủ ăn. Cái khó ló cái khôn, bà bảo ông thử chặt ít cây cau “năng – rưng” rồi vót thành đũa xem có bán được không.
Với suy nghĩ quả cau rừng cũng là vị thuốc bắc, thân cau rừng già lại cứng nhưng sợi bên trong lại thẳng hơn cây cau nhà nên bà chọn cây cau rừng để làm đũa. Hơn nữa, với kinh nghiệm đi rừng lâu năm ông Chiên cũng biết được cây cau rừng thuộc tính hiền nên không sợ đến việc sử dụng đũa từ cau rừng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Kết quả ngoài sức mong đợi, khi ông bà bán được 50 đôi đũa ngay ngày đầu tiên. Từ đó nghề làm đũa cau “năng rưng” ra đời.
Chị Hà đang làm công đoạn vót đũa cau |
Những năm đầu, ông vót đũa bằng dao nên đũa không được trơn và đều, lại rất hạn chế về số lượng. Ông, bà lại trăn trở với suy nghĩ làm sao để đũa được đều và trơn hơ, thu hút được nhiều người mua hơn. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông quyết định dùng bào để bào thay cho việc vót bằng dao cho ra đũa đều hơn rồi sau đó chà đũa với lá chuối khô sẽ làm đũa trơn và mịn hơn, việc dùng bào cũng nhanh hơn so với vót bằng dao. Cũng từ đó, khi thấy gia đình ông Chiên có nghề làm đũa cau hay, lại cho thu nhập cao nên một vài gia đình xung quanh đã sang học và được ông bà truyền nhiệt tình truyền dạy kinh nghiệm.
Nuôi con học đại học nhờ vót đũa
Hơn 10 năm sống bằng nghề vót đũa đến bây giờ gia đình chị Nguyễn Thị Liên đã lấy nghề này làm kinh tế chủ đạo. Vợ chồng chị có thể nuôi được 5 đứa con ăn học (trong đó 4 đứa học đại học) cũng nhờ cả vào đũa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà mới bắt đầu làm đũa được gần 5 tháng nay và chỉ tranh thủ những lúc nhàn rỗi để không bị lãng phí thời gian nhưng cũng thu lại một khoản tiền không nhỏ. Hơn nữa chồng chị có thể tự đi lấy cau nên không tốn kém chi phí. “Thời gian rảnh thì nhiều mà ngồi chơi thì phí lắm. Tui học được nghề làm đũa này so với đi đi làm thuê mấy công khác thì nhàn hạ hơn nhiều mà thu nhập cũng khá” - chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, 100 đôi đũa cau “năng rưng” có giá 200 nghìn đồng, mỗi ngày công bình thường một người có thể làm ra khoảng 100 đôi đũa, trừ đi chi phí trung bình một ngày cũng có thu nhập hơn 100 nghìn đồng. Đũa cau không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà nhiều người còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm nhu cầu về đũa cau lại càng cao, khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa cho khách hàng.
Cần một thương hiệu
Cây cau rừng để làm được đũa được phải chọn lựa rất kỹ càng, phải là cây rất già trên 30 năm tuổi. Cây có đường kính từ 20-25cm và cao trung bình 7m nhưng chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng vót đũa được. Vì sự chọn lọc khá kỹ càng đó nên cau càng ngày càng hiếm. Bây giờ để đi lấy cau thì người dân phải đến các vùng rừng của Vũ Quang, Hương Sơn. Phải đi 3 ngày may ra mới được một chuyến khoảng 20 đoạn (cứ mỗi đoạn 2m).
Để phát triển bền vững và thành một nghề chính thì đũa cau cần lắm một thương hiệu cho riêng mình. |
Nói nghề làm đũa đơn giản và khá nhàn hạ nhưng nó cũng đòi hỏi không ít kỹ thuật, người làm phải thật khéo léo và có tính kiên trì. Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua tới 8 công đoạn: cắt – chẻ - đẽo – bào phả - bào trau – mít – chà - phơi, trong đó bào trau là công đoạn quyết định nhất của sản phẩm. Nếu như gặp thời tiết mưa nhiều thì phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.
Đũa cau rừng có chất lượng cực kỳ tốt với nhiều ưu điểm như cứng, có vân khá đẹp, không bị mốc, đũa được làm thủ công hoàn toàn và không sử dụng bất kỳ một hóa chất nào nên rất an toàn cho người sử dụng. Nhưng để phát triển một cách bền vững và thành một nghề chính thì đũa cau cần lắm một thương hiệu cho riêng mình.