Tham gia Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vũ Quang, các hộ được hỗ trợ về nguồn giống, kỹ thuật và các chính sách đặc thù. |
Mở rộng quy mô sản xuất
Từ khi gia nhập Hội SX-KD cam Vũ Quang, anh Lê Ngọc Lâm (xã Đức Bồng) được tư vấn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như hệ thống nước tưới hiện đại. Đặc biệt, khi xây dựng thành công thương hiệu cam Vũ Quang, hàng ngàn gốc cam của gia đình sẽ được kết nối thị trường rộng lớn với mức giá ổn định. Anh Lâm cho hay: “Gia đình tôi hiện có 2.000 gốc cam và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để cung cấp lượng hàng hóa lớn cho thị trường. Từ khi tham gia hội, tôi được anh em chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và có thêm phương pháp hạn chế dịch bệnh nhằm tăng năng suất, chất lượng quả”.
Bà Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho biết: “Hội SXKD cam Vũ Quang ra đời nhằm tập hợp, kết nối các tổ chức, cá nhân SXKD cam trên địa bàn để hỗ trợ, giúp đỡ trong sản xuất và tiêu thụ; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; quảng bá và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Cam Vũ Quang”. Từ đó, tạo động lực để cây cam phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.
Hội SX-KD cam Vũ Quang hiện có 136 thành viên với tổng diện tích 300 ha. Xác định sản xuất theo hướng thâm canh, cung cấp lượng hàng hóa lớn cho thị trường, hội tiếp tục mở rộng quy mô, phấn đấu cuối 2016, diện tích đạt 370 ha. Gắn với việc mở rộng quy mô, hội sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng vườn cam; theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, thay dần những vườn cam kém chất lượng cũng như tư vấn việc quy hoạch diện tích sản xuất, lựa chọn vùng đất phù hợp, nguồn giống, phân bón đảm bảo chất lượng; tổ chức trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng 12 mô hình/12 ha trồng mới, đảm bảo đồng nhất về giống, phân bón, quy trình kỹ thuật và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm làm cơ sở để hội viên học tập, nhân rộng.
Với chất lượng thơm ngon, cam Vũ Quang luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Cam đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện Vũ Quang. Với chất lượng thơm ngon, cam Vũ Quang luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vậy, để phát triển bền vững, địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và Hội SXKD cam Vũ Quang ra đời là một yếu tố tích cực. Trong đó, tổ hợp tác, HTX được xem là mắt xích của chuỗi sản xuất liên kết và phấn đấu mỗi xã thành lập 1-2 tổ hợp tác SXKD cam, nâng tổng số lên 40 tổ hợp tác, 4 HTX vào cuối năm 2016. Đồng thời, tích cực khâu nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ hợp tác, HTX.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh: “Để hội hoạt động theo chiều sâu và xây dựng thành công thương hiệu cam Vũ Quang, huyện cần hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cần thiết, tổ chức tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm... Dự án SRDP cần tiếp tục quan tâm quảng bá, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cam Vũ Quang; hỗ trợ tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm và giới thiệu các doanh nghiệp để hội liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp khảo sát nhu cầu, bố trí kinh phí xây dựng các mô hình trồng cam thích ứng với biến đổi khí hậu tại các xã, trong đó, ưu tiên cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động; hỗ trợ kinh phí rà soát, đánh giá lại chất lượng các vườn cam trong hội và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc“.
Để loài đặc sản có chỗ đứng trên thị trường, tránh bị trà trộn, huyện Vũ Quang đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu. Với vai trò chủ công, Hội Nông dân huyện phối hợp dự án SRDP lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cam Vũ Quang và nộp Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện cục đã có quyết định công nhận hồ sơ hợp lệ và đang thẩm định nội dung, tới đây sẽ có văn bản công nhận. Để sử dụng hiệu quả nhãn hiệu, địa phương sẽ rà soát, đánh giá chất lượng sản phẩm và tổ chức ký cam kết với các hộ đủ điều kiện theo quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, cấp quyết định sử dụng tem nhãn khi có.