Ngày 21/12/2017, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có văn bản khẳng định, với công nghệ của Formosa hiện tại thì không thể sử dụng nguyên liệu từ quặng sắt của mỏ sắt Thạch Khê
Theo các nhà khoa học, chuyên gia thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình rất phức tạp, đòi hỏi chi phí thăm dò bổ sung và khai thác lớn. Chi phí tuyển luyện quặng lớn do hàm lượng Zn trong quặng tương đối cao.
Bên cạnh đó, dự án phải chịu các chi phí rất lớn cho việc chống thấm, ngăn chặn nước ngầm, tháo khô mỏ, xử lý nước thải sản xuất và tận dụng nước sau xử lý, xây dựng đê chắn bao quanh các bãi thải, nhất là đê bao bãi đổ thải ra biển và đề phòng các sự cố môi trường... Những công việc này làm tăng cao giá thành sản phẩm quặng khai thác và giảm hiệu quả kinh tế tương ứng.
Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Thế Minh, địa điểm sản xuất, tuyển luyện quặng phân tán sẽ làm cho hoạt động vận chuyển quặng từ mỏ về nơi luyện khó khăn, đẩy giá vận tải lên cao, tổn thất quặng trong quá trình vận chuyển.
“Tại khu vực gần mỏ Thạch Khê chỉ có một cảng dùng cho đậu đỗ tàu bắt đánh cá, nhưng luôn bị bồi lấp. Để chuyên chở quặng phải dùng tàu lớn mới hiệu quả. Muốn dùng tàu lớn phải sử dụng cảng Nghi Thiết (Cửa Lò), hoặc Vũng Áng (Hà Tĩnh). Phương án này cũng phải qua nhiều lần bốc dỡ từ vận tải ô tô sang tàu biển, rồi lại từ tàu biển sang ô tô. Nếu sử dụng duy nhất hình thức ô tô cũng sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và làm tăng giá thành quặng” – ông Phạm Thế Minh phân tích.
Quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng kẽm 0,071%, đòi hòi cao về công nghệ luyện kim. Theo phản biện của VUSTA, thực tế các nhà máy luyện thép hiện nay ở Việt Nam chưa có lò cao loại này, có nghĩa là chưa thể có nhà máy luyện kim nào có thể sẵn sàng sử dụng toàn bộ quặng sắt Thạch Khê như phương án của chủ đầu tư. Từ đó, đặt ra tính khả thi đối với cam kết tiêu thụ quặng của các đối tác. Mặt khác, phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là chưa chắc chắn. Việc khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê sẽ chịu nhiều rủi ro trong khâu tiêu thụ.
Ngày 21/12/2017, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có văn bản khẳng đinh: Formosa đã nghiên cứu tính khả thi của quặng sắt Thạch Khê do một công ty tại châu Âu thực hiện. Sau khi so sánh với mẫu quặng sắt từ Australia và Brasil mà Formosa đang sử dụng cho thấy, hàm lượng kẽm trong quặng sắt này cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Formosa.
“Nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, làm hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ lò cao, nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố.” – văn bản của Formosa nhấn mạnh.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải chịu các chi phí rất lớn cho việc chống thấm, ngăn chặn nước ngầm, tháo khô mỏ, xử lý nước thải sản xuất và tận dụng nước sau xử lý.
Theo báo cáo dự án, hiện tại có khoảng 10 doanh nghiệp trong nước cam kết tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê, nhưng với khối lượng khiêm tốn. Phần lớn các doanh nghiệp này chưa có cam kết cho các giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, thị trường thế giới cũng không có triển vọng. Hiện nay, nhu cầu sử dụng quặng sắt chủ yếu là Trung Quốc, với khoảng 80%.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định nhu cầu sử dụng quặng của Trung Quốc chỉ giữ một thời gian ngắn và tình trạng giá quặng giảm sẽ buộc nhiều hãng quy mô nhỏ phải đóng cửa dẫn tới giá quặng sẽ giảm sâu. Chính vì vậy, việc chưa có đầu ra ổn định trong nước, cũng như quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế, trong khi giá thành sản xuất tăng cao sẽ dẫn đến việc không đảm bảo khả năng hoàn vốn, hoặc có lãi của dự án.
Hiệu quả kinh tế là yếu tố sống còn của một dự án. Trong khi chưa có nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước không có, tiêu thụ ngoài nước không triển vọng, thì việc khai thác quặng để làm gì? Hơn nữa, nếu xuất khẩu quặng thô, không thực hiện chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế sẽ vi phạm, đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước như Thông báo kết luận 72-TB/TW, ngày 09/5/2007 của Bộ Chính trị.