Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

(Baohatinh.vn) - Đoạn đường dài gần 1 km đi vào cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nhưng không được duy tu, sửa chữa. Nguyên do là bởi phân cấp quản lý chưa rõ ràng, các cấp, ngành có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm...

Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

Hằng ngày chị Trần Thị Phượng (thị trấn Lộc Hà) và những người đi cảng cá phải qua lại ít nhất 2 - 4 lần trên đoạn đường đầy ổ trâu, ổ gà...

Chị Trần Thị Phượng (ở tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) bức xúc: “Ngày nào tôi cũng ra cảng cá từ lúc hơn 3 giờ sáng để mua các loại hải sản, rất nhiều lần tôi bị ngã xe, đổ hàng vì đi vào ổ trâu, ổ gà, vũng ngập nước. Đặc biệt, vào các ngày mưa gió, hay lúc người vào cảng đông thì rất khó đi và tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông”.

Chị Trần Thị Dung (ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim) cũng phàn nàn: “Đoạn đường huyết mạch này đã bị xuống cấp từ lâu nhưng không được quan tâm sửa chữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của bà con mà còn làm xấu bộ mặt xóm làng và chậm tiến độ đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn”.

Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

Đường vào cảng cá vừa nhỏ vừa xuống cấp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo phản ánh, khoảng 4 năm nay, gần 1 km đường vào cảng cá Thạch Kim (đoạn cuối của Tỉnh lộ 9 cũ, đi qua thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) xuống cấp nghiêm trọng.

Mặt đường bong tróc, nền đường trồi sụt, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà; lòng đường nhỏ hơn so với những nơi khác cùng tuyến. Ngày nắng thì bụi bẩn, ngày mưa thì nước đọng từng vũng lớn.

Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

Có những vị trí hư hỏng quá nặng, người dân tự mang gạch vữa ra lấp tạm để đi.

Theo cán bộ thôn Xuân Phượng, hằng ngày có khoảng 1.000 phương tiện ra vào. Ngoài xe cộ của người dân trong thôn và vùng lân cận thì còn rất nhiều tiểu thương vào thu mua hải sản hoặc cung ứng lương thực, thực phẩm, nước uống, đá lạnh… cho tàu, thuyền neo đậu trong cảng cá.

Vì vậy, việc đi lại qua đây luôn khó khăn và mất an toàn.

Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

Có những đoạn bị người dân lấn chiếm sử dụng vào mục đích riêng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Trần Đình Hưng cho rằng, đây là đoạn cuối của Tỉnh lộ 9 nên trách nhiệm nâng cấp, sửa chữa thuộc về của Sở Giao thông vận tải.

“Chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến đề nghị Sở Giao thông vận tải bố trí kinh phí sửa chữa nhưng không thấy hồi âm...”, ông Hưng bức xúc.

Đường vào cảng cá Thạch Kim hư hỏng kéo dài - vì sao vẫn chưa được khắc phục?

Hằng ngày, từ lúc 3-4 giờ sáng đã có hàng trăm xe cộ các loại đi qua đoạn đường này để vào cảng trao đổi hàng hóa, mua hải sản tại cảng cá Thạch Kim.

Ông Trần Thế Hùng - Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) lại cho rằng: “Hiện nay, việc duy tu, sửa chữa đoạn đường này không còn là trách nhiệm của sở mà là của huyện. Lý do là từ cuối năm ngoái chúng tôi đã bàn giao đoạn đường từ vòng xuyến ngã ba thị trấn Lộc Hà (thuộc tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà) ra đến cảng cá cho huyện quản lý”.

Còn ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Hà khẳng định: “Đoạn đường này do xã Thạch Kim quản lý, đường trục huyện chúng tôi chỉ quản lý đến sát bãi biển, còn đoạn này là đường trục xã. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách xã khó khăn, chưa bố trí được nên chúng tôi đang nghiên cứu tìm kiếm các chương trình, dự án hỗ trợ để nâng cấp, duy tu”.

Với cách trả lời trên của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, không biết đến bao giờ gần 1km đường vào cảng cá Thạch Kim sẽ được sửa chữa để người dân bớt cơ cực ?!

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.