Trong bàn nhậu, những ly rượu, chén bia thường được nâng lên với lý do quý anh/quý cậu lắm, rồi lại nể nang nhau... Với mở đầu đó, có thể nguyên bữa tiệc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thậm chí từ sáng đến đêm... chỉ uống và uống. Thậm chí người uống gào thét trọng nhau lắm, nể nhau lắm nhưng chỉ khi miệng tạm ngưng uống chờ rót thì mới tranh thủ hỏi han tên tuổi, quê quán của nhau cho có lệ.
Những câu chuyện không đầu không đuôi, chuyện trên trời dưới đất, những chuyện lẽ ra không nói được được tuôn ra ở bàn nhậu. Thật khó có những cuộc trao đổi, kết nối, tỉ tê đúng nghĩa ở bàn nhậu. Chưa kể không ít cuộc nhậu tình thân mến thân kết thúc bằng những mối quan hệ đổ vỡ, bằng những cuộc ẩu đả kinh hoàng... khi bị rượu bia điều khiển.
Nguyễn Thế Thanh (22 tuổi ở Q.3, TPHCM) chia sẻ, càng ngày bản thân anh càng sợ những cuộc gặp gỡ có bia rượu. Một hai chén để uống khai vị thì được nhưng uống khui từ két này sang két nọ, chai bia mở nắp tràn lan... thì chỉ còn nghe tiếng hò dô, cái mùi ngai ngái khó ngửi của người bên cạnh.
“Ai bảo phải có bia rượu vào mới nói chuyện được, mới làm ăn được thì tôi chịu cái thứ lý lẽ này. Chuyện trò cái gì khi chỉ dồn sức ép nhau uống bằng hết, bằng cạn, hết ly này tới ly khác, két này tới két khác. Bia rượu chỉ làm cho văn hóa giao tiếp của người Việt thêm nghèo hèn”, Thanh nói.
Thế mà cái "văn hóa nghèo hèn" như quan điểm của Thanh tràn lan ở khắp nơi. Già trẻ, trai gái; từ tri thức đến giới bình dân, giàu đến nghèo.. xem bia rượu là một phần không thể thiếu trong các cuộc gặp gỡ.
Tiệc tùng nhậu nhẹt còn lấn át nhiều hoạt động văn hóa, giải trí bổ ích khác. Thay vì cùng nhau đi thưởng thức một món ngon hay một bộ phim, kịch; đi xem triển lãm tranh... nâng cao kiến thức, thẩm mỹ thì nhiều người lại hò nhau “đốt” tâm hồn cho men say.
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ, việc nhậu nhẹt bù khú “lên ngôi”, đặc biệt trong ngày lễ Tết phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa theo chiều đi xuống của chúng ta. Từ người lớn đến người bé đang ngày càng xa lạ với những giá trị dân tộc, mức độ hiểu biết và thưởng thức nghệ thuật thấp, kể cả giới tri thức.
Những nguy hại tác động đến lối sống nhân cách từ nhậu nhẹt, chửi tục chửi bậy, đánh nhau trở thành phong trào được xem như là chuyện bình thường, theo bà Hương, là biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức.
Trong khi đó, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) cho hay, chúng ta đang học Tây rất nhiều thứ nhưng có lẽ thứ cần học nhất là không ép nhau uống.
Ở các nước phương Tây, một bữa tiệc thường sử dụng nhiều loại nước uống khác nhau để đáp nhu cầu của người thực khách. Điều này phản ánh văn hóa ẩm thực, dân chủ và tôn trọng nhau. Bởi lẽ cơ thể, tửu lượng, gu mỗi người là khác nhau nên không thể chỉ lấy whisky, hay bia để bắt mọi người cùng uống và phải uống như nhau được.
Ở ta, cái sự uống mới đáng sợ. Whisky mà uống từ đầu đến cuối, “dô” lần này đến lần khác và cứ phải cạn ly. Bia thì uống két này đến két khác, uống rồi "xả", hay khui ra rồi bỏ đó, uống đến khi té ngửa ra mới chịu.
Theo ông Trung, mời nhau một ly để giao lưu, để bắt đầu câu chuyện có thể chấp nhận được nhưng ép nhau thì quá phi lý.
“Mới đầu thì có thể giao lưu, tình nghĩa, bàn chuyện mần ăn, nhưng sau rồi đến giai đoạn “rượu uống người”, rượu vô lời ra, mượn rượu để chửi, khích bác, trả thù và có nhiều trường hợp là máu đổ, đe dọa tính mạng. Nếu anh ép tôi là đã áp đặt cái của riêng anh lên tôi, anh bắt tôi theo anh, anh không tôn trọng tôi… vậy thì tình nghĩa, mần ăn gì sau đó nữa”, TS Nguyễn Khánh Trung bày tỏ.