Gần 2 giờ vật lộn cứu người giữa đêm lũ dâng

Yên Bái- Ba người đàn ông lần theo sợi dây thừng giữa dòng nước lũ dâng cao hơn 3 m để đưa mẹ con mắc kẹt ra khỏi nhà hai tầng ở thành phố.

Cuộc cứu hộ bắt đầu lúc 0h30 ngày 10/9 khi các anh Nguyễn Văn Phúc, Lê Minh Hiếu, Nguyễn Viết Hội mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm, giăng dây thừng, cầm phao dò dẫm tìm đường giữa dòng nước như thác giải cứu mẹ con bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thuỳ Linh, trú tổ 4, phường Minh Tân. Hai người kẹt trên tầng hai, kêu cứu, trong khi hàng xóm đã di tản hết.

Bốn tiếng trước, TP Yên Bái mưa lớn khiến nước dâng nhanh ở các khu phố Kim Đồng, tổ 4, tổ 5. Chính quyền phường Minh Tân cắt cử lực lượng sơ tán dân đến nơi an toàn. Khoảng 23h, mưa cường độ lớn hơn, nước dồn từ nơi cao, mặt đường xuống chỗ thấp khiến ngõ 78 ngập sâu hơn 3 m. Mẹ con bà Hằng trú lại tầng hai không kịp thoát.

Từ đầu ngõ 78 tới nhà bà Hằng khoảng 200 m, nhiều đoạn nước lớn tạo dòng xoáy. Tổ cứu hộ là hàng xóm kiêm dân quân phường dùng dây thừng lần theo dòng nước để tiếp cận. Anh Nguyễn Viết Hội, 28 tuổi, tìm nơi buộc chắc đầu dây dưới sự hướng dẫn của anh Lê Minh Hiếu.

Điện bị cắt, trời tối om, ông Đào Mạnh Chung, thành viên tổ an ninh cơ sở tổ 4 rọi đèn pin cho cứu hộ tìm chỗ cột dây thừng.

Mất 20 phút, họ vòng được thừng vào cột, rồi đu theo bó dây điện sát mặt nước lên tới ngôi nhà đang xây dở. Từ đây tới nhà bà Hằng còn gần 10 m, qua một đoạn nước lũ ngập lút đầu và một số nhà hàng xóm mới tiếp cận được hai mẹ con.

0h55, chị Nguyễn Thuỳ Linh được đưa ra trước. Anh Phúc ngụp lặn trong lũ với chiếc phao cứu hộ đưa người phụ nữ trèo lên bờ an toàn.

Anh Phúc sau đó quay trở lại cùng anh Hiếu đưa bà Hằng ra trong khi anh Hội ở lại trấn an chị Linh.

20 phút sau, bà Hằng đội mũ bảo hiểm, mặc áo phao được cứu hộ ròng dây đưa ra. Cả tổ mất thêm 5 phút để đưa bà lên bờ.

5 người sau đó lần theo bờ tường, cánh cổng, ngõ ngách tìm tới nơi khô ráo. Cuộc cứu hộ kết thúc lúc 1h40, sau 100 phút vật lộn trong lũ.

Mẹ con bà Hằng ướt đẫm, da trắng nhợt vì ngâm nước khi được giải cứu. "Sợ quá, tưởng chết rồi", chị Linh vừa run vừa nói.

Bà Hằng phân trần “cứ nghĩ là nước lớn cũng chỉ đến tầng một, có ai ngờ ngập cả tầng hai. Cũng là kinh nghiệm, nước dâng cao thì cứ bỏ đồ mà chạy để bảo toàn tính mạng”.

Những người hàng xóm thức suốt đêm theo dõi cuộc giải cứu đưa hai mẹ con bà Hằng về nhà tắm rửa, chăm sóc.

Ba người đàn ông sau khi cứu người đã nằm giữa đường cho dòng nước rửa trôi bớt bùn. “Rất mệt, lạnh và đói”, anh Nguyễn Văn Phúc, 40 tuổi, ngồi thở, mắt đỏ ngầu vì nước lũ trong khi các chiến hữu co ro vì lạnh. Anh kể khi vào tới nơi, thấy hai mẹ con ngồi thu lu, run lập cập vì rét mướt nên cố hết sức đưa họ ra. Trong suốt tiếng rưỡi ấy, tổ cứu hộ "chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc".

"Anh em cứu hộ địa phương lúc này cũng đang trăm công nghìn việc ở các ngả nên bọn mình tự túc được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Tình làng nghĩa xóm trên hết”, anh nói.

Chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi, từ đêm 8/9 đến 9/9 lượng mưa phổ biến tại Yên Bái 50-150 mm. Một số nơi rất cao như Tân Phượng 491,8 mm; An Phú 405,6 mm; Lâm Thượng 359,6 mm; Liễu Đô 344,8 mm; Khánh Thiện 341 mm… Lũ trên sông Thao tiếp tục lên, mực nước lúc 18h hôm nay là 34,24m, vượt báo động 3 là 2,24m.

Mưa lũ cũng gây ngập, sạt lở đất, cô lập nhiều địa phương ở Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng, Quảng Ninh... Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, xe khách bị đất đá chôn vùi, cầu sập... Đến tối qua, 98 người chết do mưa bão, sạt lở.

vnexpress.net

Chủ đề Hướng về đồng bào vùng lũ

Đọc thêm

Cảnh báo nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại

Cảnh báo nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại

Dù Hà Tĩnh được công nhận là đã loại trừ bệnh sốt rét quy mô cấp tỉnh song với việc xuất hiện các ca sốt rét ngoại lai đã dẫn tới nguy cơ cao bệnh có thể quay trở lại.
Ngắm đàn cò ngàn con kéo về trú ngụ tại một trang trại ở Hà Tĩnh

Gian nan bảo vệ chim trời

Thời gian gần đây, có nhiều đàn chim hoang dã, chim di cư về vùng đất Hà Tĩnh trú ngụ. Thế nhưng, để bảo vệ môi trường sống cho các loài chim, lực lượng chức năng và người dân đang gặp không ít khó khăn.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).
Vinh quang nghề công tác xã hội

Vinh quang nghề công tác xã hội

Dẫu nhiều vất vả song những người làm công tác xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn luôn nỗ lực đồng hành, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để họ vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều phương pháp ôn tập sáng tạo cho học sinh lớp 12

Nhiều phương pháp ôn tập sáng tạo cho học sinh lớp 12

Học sinh cuối cấp tạo nhóm hỗ trợ nhau ôn bài, giáo viên tăng cường cho học sinh luyện đề thi thử trên các phần mềm trực tuyến… là những giải pháp đã được triển khai tại Hà Tĩnh sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.