Chỉ với một điện thoại thông minh có phần mềm quét mã, người tiêu dùng có thể nhận diện được "đường đi" của nông sản
Nông sản gắn tem truy xuất sẽ minh bạch hóa “lý lịch” bằng mã QR code (tem điện tử), được giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo.
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy hải sản cho hay: “Theo Luật ATTP thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc. Gần đây, một số doanh nghiệp, nhà vườn đã quan tâm đến dán tem nhận diện thương hiệu, tuy nhiên, gắn tem điện tử phải được thiết lập theo hệ thống, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự giám sát của cơ quan quan lý nhà nước”.
Doanh nghiệp Tân Thanh Phong đã thực hiện truy xuất bằng tem điện tử với "Cam Hà Tĩnh" và "Bưởi Phúc Trạch". Năm 2017, doanh nghiệp bán ra hơn 200 tấn có truy xuất, được khách hàng đón nhận
Đến thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong là đơn vị đầu tiên tại Hà Tĩnh thực hiện gắn tem điện tử cho hai sản phẩm “Cam Hà Tĩnh” và “Bưởi Phúc Trạch”. Ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc DN cho biết: “Định hướng chinh phục thị trường khó tính, các chuỗi siêu thị. Được sự hỗ trợ của Chi cục QLCL nông, lâm, thủy sản, năm 2016- 2017, doanh nghiệp bắt đầu dán tem truy xuất cho 50 ha. Với sản lượng bán ra trên 200 tấn cam, bưởi, chiếm 30% tổng sản lượng của doanh nghiệp năm 2017”.
Điều khó nhất là buộc các nhà vườn liên kết ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất. Một phần vì nông dân chưa quen, phần khác thị trường vẫn chưa có sự phân hóa rõ ràng về tem truy xuất và tem có chứng nhận sản phẩm an toàn, vì thế nhà sản xuất, doanh nghiệp sẵn sàng “xé rào” hưởng lợi khiến cho cuộc cạnh tranh sẽ thiếu lành mạnh. Trong khi đó, đến nay, ngay các thành phố lớn đã thực hiện khá lâu cũng đang gặp khó về quản lý tem nhãn điện tử.
Truy xuất nguồn gốc phải gắn với ATTP, có sự giám sát của nhà nước mới đem lại niềm tin cho khách hàng.
Một nhà vườn trồng cam ở Hương Khê cho hay: “Doanh nghiệp có thể tự in và dán vào sản phẩm, có khi nào sản phẩm bị “áp” thông tin theo chủ quan của người sản xuất chứ không phải có truy xuất theo thiết lập hệ thống có quản lý? Kể cả làm đúng quy trình, chi phí “đội” lên nhiều thì liệu có sự phân biệt được với loại tem “nhái” giữa thị trường hay không?”
Ngay tại siêu thị Co.op Mart, gian hàng thực phẩm, rau, củ, quả có đến hàng trăm loại sản phẩm, nhà sản xuất, thế nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay nông sản có tem QR code. Khi đưa thiết bị lên quét mã, thông tin mà khách hàng nhận được ở một số sản phẩm chỉ có thể nhận diện thương hiệu do doanh nghiệp cung cấp. Điều này, khiến cho nhiều người tiêu dùng chưa đủ yên tâm hay mặn mà với việc truy xuất.
Nhiều khách hàng không quan tâm hoặc chưa phân biệt được tem QR code và tem nhãn thường
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh cho hay: “Điều chúng tôi muốn biết là sản phẩm được sản xuất theo quy trình nào, an toàn hay không và ai xác nhận, quản lý con tem đó. Đó là chưa kể, tem cũng có thể gỡ ra dán lên quả cam, quả bí khác là chuyện bình thường”. Còn bà Linh ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh lại bảo: “Khi đã vào siêu thị thì tin rằng sản phẩm đó chất lượng hơn, hệ thống quét mã, cũng như cách làm không được nhà cung cấp hướng dẫn thông tin nên chúng tôi ngại thực hiện”.
Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thì sẽ không đặt nặng vấn đề ai là người cung cấp tem, nhưng phải đảm bảo uy tín, có sự tham gia thẩm định của bên thứ 3 và được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, theo dõi. Vấn đề là sự vào cuộc của chính quyền, một mặt hướng dẫn cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm việc thiết lập hệ thống truy xuất của Bộ NN&PTNT, đồng thời tuyên truyền rộng rãi về phân biệt các loại tem điện tử đến người sản xuất cũng như người tiêu dùng.