Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Tĩnh đang ở thời kỳ cao điểm. Trước những nguy cơ của dịch, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã có phân tích, nhận định về những khó khăn và đưa ra các khuyến cáo để người dân chủ động phòng, chống dịch.

P.V: Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành và từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh cũng đã xuất hiện 13 ổ dịch, xin ông cho biết các giải pháp phòng, chống dịch mà tỉnh đã triển khai?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue trên cả nước đang có diễn biến phức tạp. Các chỉ số về số ca mắc, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh. Ảnh Tuấn Dũng.

Tại Hà Tĩnh, năm nay, SXH đến sớm hơn so với những năm gần đây do sự gia tăng giao thương đi lại, du lịch, nhiều người mang mầm bệnh từ nơi khác về địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều vào mùa hè cũng tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số mắc SXH trên toàn tỉnh là 428 ca, trong đó có 148 ca vãng lai và 280 ca mắc tại chỗ. Từ giữa tháng 6/2022 đến nay, đã xuất hiện rải rác 13 ổ dịch nhỏ tại Lộc Hà, Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, trong đó, 11 ổ dịch đã kết thúc, 2 ổ dịch đang hoạt động. Tất cả các bệnh nhân đều được điều trị khỏi, trong đó có 3 bệnh nhân nặng được chuyển tuyến trung ương hiện đã ra viện, không có trường hợp nào tử vong.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), các đơn vị y tế trên toàn tỉnh sớm triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Ngay từ đầu mùa dịch, CDC Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống SXH với nhiều hình thức, trong đó chú trọng truyền thông trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Bác sỹ BVĐK thị xã Kỳ Anh thăm khám cho một bệnh nhân bị mắc SXH.

Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch SXH từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, triển khai sớm. Trung tâm đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch tuyến huyện, 13 lớp tập huấn cho cán bộ xã và nhân viên y tế thôn/ bản trên toàn tỉnh về công tác giám sát và phòng, chống SXH Dengue. Rà soát nhu cầu hóa chất của các huyện, tiến hành cấp hóa chất đợt 1 cho các đơn vị với tổng số 200 lít hóa chất diệt muỗi cho các địa phương có các ổ dịch xảy ra và những huyện có nguy cơ cao.

Công tác giám sát dịch được đẩy mạnh, trung tâm thành lập hai đoàn công tác, trực tiếp giám sát, kiểm tra và hỗ trợ hoạt động phòng, chống SXH tại 13 huyện, thành phố, thị xã. Định kỳ giám sát véc-tơ tại các thôn, xã trọng điểm.

Khi xuất hiện các ổ dịch, CDC đã cùng lãnh đạo Sở Y tế trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý, đồng thời, phối hợp với trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm khoanh vùng, xử lý, không để lan rộng. Thực hiện đánh giá các chỉ số tại vùng có dịch trước và sau hoạt động vệ sinh môi trường để từ đó có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

P.V: Xin ông chia sẻ thêm về những khó khăn đang ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch SXH hiện nay tại Hà Tĩnh?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Các ổ dịch SXH trên địa bàn hiện đã được giám sát chặt chẽ, cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, hầu hết người dân có ý thức phòng bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng chống SXH vẫn còn nhiều khó khăn.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng, chống SXH tại các địa phương.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về nhân lực và trình độ ở tuyến cơ sở. Cán bộ chuyên trách về SXH còn phụ trách thêm nhiều chương trình khác, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc. Kinh phí phòng, chống dịch hạn chế và sự thay đổi cơ chế tài chính ảnh hưởng đến việc triển khai một số hoạt động phòng, chống dịch.

Các trang thiết bị, vật tư, hóa chất đáp ứng công tác phòng, chống dịch và chuyên môn còn thiếu, trong khi việc mua sắm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Số lượng máy phun tại các trung tâm y tế huyện bị hư hỏng nhiều. Toàn tỉnh có tổng 53 máy phun nhưng chỉ có 24 máy còn hoạt động được.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nhiều người từ khu vực có dịch về địa phương nên xuất hiện nhiều ca vãng lai và làm lây lan dịch bệnh; muỗi truyền bệnh kháng hóa chất nhanh, hóa chất sử dụng hiện tại còn nhiều tác dụng phụ; phương pháp giám sát côn trùng còn phụ thuộc nhiều vào tính chủ quan, năng lực cán bộ giám sát.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Sự chủ động của người dân trong công tác vệ sinh môi trường là giải pháp quan trọng để phòng, chống dịch.

Đặc biệt, vẫn còn một số người dân chưa quan tâm, chủ động trong việc phòng, chống dịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. SXH là bệnh truyền nhiễm, vì vậy, nếu mỗi cá nhân, gia đình, địa phương lơ là, chủ quan thì nguy cơ lây truyền và lan rộng dịch bệnh là rất lớn.

P.V: Vậy, ông có khuyến cáo gì cho các địa phương và người dân để phòng, chống hiệu quả với các nguy cơ dịch SXH?

Ông Nguyễn Chí Thanh: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Ở Hà Tĩnh, dịch thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Thời tiết hiện đã vào mùa mưa bão, là môi trường để dịch xuất hiện và bùng phát.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Khi xuất hiện ổ dịch, ngành y tế triển khai kịp thời việc khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi.

Để phòng bệnh SXH, các địa phương và người dân cần thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo.

Đối với chính quyền các địa phương, cần quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tăng cường truyền thông và đẩy mạnh các hoạt động về vệ sinh môi trường tại các thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Chỉ đạo cơ quan y tế địa phương giám sát, phát hiện sớm các ca SXH tại cộng đồng để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch SXH và một số bệnh truyền nhiễm gây dịch. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, không để tử vong do SXH. Rà soát, cung ứng đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt thông qua các hoạt động thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, tránh đọng nước. Bịt thật kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (chum, vại, bể nhỏ...) hằng tuần.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và hệ thống y tế cơ sở đang tăng cường công tác giám sát mật độ muỗi tại các địa phương.

Đối với bể chứa nước lớn thì các hộ gia đình có thể thả cá rô, cá bảy màu để diệt lăng quăng/bọ gậy. Đối với những dụng cụ chứa nước như bát nước bẫy kiến kê chân tủ đựng thức ăn... thì có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng. Đối với bình đựng hoa, cây cảnh thủy sinh phải được thay nước hằng tuần.

Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. Phát quang cây cối xung quanh nhà, phun hóa chất diệt muỗi, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt điện muỗi...; dùng rèm che chắn, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan cho người khác.

P.V: Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.