Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh miền núi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Các trường học ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang nỗ lực nuôi dưỡng văn hóa đọc, giúp học sinh nâng cao tri thức, rèn luyện kỹ năng sống và không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập.

Thời gian qua, các trường học trên địa bàn Vũ Quang luôn quan tâm đầu tư, mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc đọc sách cho học sinh; thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, các cuộc thi, hội thi giới thiệu về sách... Các hoạt động này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức, phục vụ thiết thực việc học tập mà còn góp phần nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh miền núi ở Hà Tĩnh

Nhờ quan tâm đầu tư nên những năm gần đây, thư viện tại các trường học trên địa bàn Vũ Quang luôn thu hút học sinh đến đọc sách, học tập.

Thầy giáo Trần Văn Cát - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Quang cho hay, trước đây, hình ảnh học sinh tìm đến thư viện đọc sách khá hiếm. Nguyên nhân thư viện chưa thu hút được bạn đọc là do cơ sở vật chất tại đây còn hạn chế, đầu sách ít và đơn điệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà trường đã chú trọng làm mới thư viện, bổ sung thêm các đầu sách để phục vụ nhu cầu học tập của các em.

"Hiện, thư viện đã có hơn 4.500 đầu sách. Ngoài việc tăng cường các đầu sách, chúng tôi còn thiết kế thư viện theo hướng như một lớp học để học sinh và giáo viên có thể tổ chức những buổi học tại đây, qua đó khơi dậy tình yêu với sách cho các em” - thầy giáo Trần Văn Cát cho biết.

Em Nguyễn Hạnh Nhân - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Vũ Quang chia sẻ: “Thói quen đọc sách không chỉ giúp chúng em có thêm kiến thức, mà còn thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, trong sinh hoạt tập thể và trong cuộc sống. Từ đó, chúng em học tập, làm việc khoa học hơn và sống có trách nhiệm, biết chia sẻ công việc với người khác. Thời gian tới, em hy vọng thư viện sẽ có thêm nhiều đầu sách mới để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của mình".

Tại Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ, để hấp dẫn “độc giả” tới với thư viện, từ đầu năm 2020 đến nay, nhà trường đã đầu tư hơn 3.500 đầu sách với đầy đủ các thể loại như: truyện ngắn, truyện tranh, báo, tạp chí, thơ… Tại phòng thư viện còn được bố trí các chậu hoa, cây cảnh, tạo sự thân thiện, gần gũi; không gian được bố trí theo hướng mở nhằm giúp học sinh có thể chọn cho mình những góc thật thoải mái để “say sưa” cùng sách.

Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh miền núi ở Hà Tĩnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ đã đầu tư hơn 3.500 đầu sách với đầy đủ thể loại.

Ngoài ra, định kỳ hằng tuần, hằng tháng, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa về sách như: kể chuyện theo sách, tìm hiểu về sách... để các em phát triển tư duy và vận dụng hiệu quả vào học tập. Nhờ vậy, phong trào đọc sách trong nhà trường đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Thầy giáo Hoàng Duy Khánh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ cho biết: “Việc tạo thói quen đọc sách từ nhỏ không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức, mở rộng hiểu biết mà còn giúp các em hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu sách vở. Thế nên, hoạt động dạy và học của nhà trường luôn gắn liền với văn hóa đọc”.

Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh miền núi ở Hà Tĩnh

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ “say sưa” đọc sách tại thư viện nhà trường.

Thường xuyên đến thư viện nhà trường để đọc sách, em Trần Nữ Trà My - học sinh lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Quang Thọ chia sẻ: “Giờ ra chơi và những lúc rảnh, em thường cùng các bạn đến thư viện để đọc sách. Việc đọc sách giúp em rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp và diễn thuyết trước nhiều người. Ngoài ra, những cuốn sách hay cũng đã cho em những bài học ý nghĩa, sâu sắc để em có sự thay đổi trong học tập, rèn luyện”.

Nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh miền núi ở Hà Tĩnh

Việc tạo thói quen đọc sách từ nhỏ không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức, mở rộng hiểu biết mà còn giúp các em hình thành thói quen tự học, tự nhiên cứu sách vở.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Quang cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, thời gian qua, cùng với nâng cao chất lượng dạy học, ngành giáo dục huyện luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đưa văn hóa đọc trở thành thói quen cho học sinh. Theo đó, các trường học trên địa bàn đã quan tâm xây dựng thư viện; duy trì văn hóa đọc với sự đa dạng trong hình thức như: đọc sách, chia sẻ những câu chuyện hay, phong trào hành động theo sách... Qua đó, góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhất là ở địa bàn miền núi Vũ Quang, nơi các em còn nhiều khó khăn trong học tập”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast