Niềm đam mê bất tận
Nhiều năm nay, vợ chồng nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh (SN 1959) và nghệ nhân dân gian Đậu Thị Loan (SN 1964), trú tại thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân đã quen với những buổi tập hát cùng các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm mỗi ngày khi việc đồng áng đã xong.
Vợ chồng nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh - Đậu Thị Loan hằng ngày vẫn ôm đàn, gõ phách để đỡ “nhớ nghề”.
Thế nhưng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến kế hoạch tập luyện của CLB thời gian gần đây thường xuyên bị gián đoạn. Với truyền thống gia đình 4 đời theo “nghiệp diễn” và niềm đam mê bất tận với ca trù, vợ chồng nghệ nhân không thể ngồi yên. Không được tập trung các bạn diễn, hằng ngày, hai vợ chồng vẫn ôm đàn, gõ phách để thỏa niềm đam mê.
Những lời bài hát cổ được Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh ghi chép lại cẩn thận.
Nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống, ông bà còn chăm chỉ ghi âm, chép lại cẩn thận các lời hát cổ; tích cực truyền dạy cho con cháu. Nghệ nhân Phan Đình Anh chia sẻ: “Không được tập luyện, biểu diễn trên các sân khấu lớn, nhỏ như trước đây nhưng chúng tôi vẫn diễn ở “sân khấu” tại gia. Các thành viên trong CLB của thôn cũng giống vợ chồng tôi, họ đều rất đam mê và không thể bỏ được “nghiệp hát”.
Là lớp người thứ hai ở làng Cam Lâm (xã Xuân Liên) đam mê và am hiểu trò Kiều, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Huýnh (75 tuổi) đã trở thành người “truyền lửa” loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ người dân nơi đây.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Huýnh có một tình yêu đặc biệt với trò Kiều.
Ông Huýnh cho biết: “Ngày trước, người tham gia biểu diễn trò Kiều hầu hết là nam giới, bởi quan niệm những uẩn khúc, ai oán của nhân vật sẽ vận vào cuộc đời thực. Nhưng sau này, quan niệm đó dần thay đổi, các diễn viên như Trần Thị Vinh, Nguyễn Thị Hai, Ngô Thị Minh... đã đem lại luồng sinh khí mới, góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê trò Kiều của người dân Xuân Liên nói riêng, Nghi Xuân nói chung”.
Được sinh ra trong cái nôi của trò Kiều nên cũng dễ hiểu vì sao người làng Cam Lâm ai cũng thuộc và có thể vận dăm bảy câu Kiều để chào hỏi, bày tỏ cảm xúc với người đối diện; thậm chí nhiều người không cần tập nhiều cũng có thể hóa thân vào nhân vật trong từng trích đoạn ở các cuộc diễn xướng. Tại các cuộc thi văn nghệ giữa các thôn, xóm, dòng họ, không ít cặp diễn viên là cha con, vợ chồng, anh chị em cùng lên sân khấu để thi tài với đội bạn.
Các thế hệ nghệ nhân nỗ lực truyền dạy cho con cháu. (Trong ảnh: Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh dạy cháu một số lời ca trù cổ).
Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, Nghi Xuân đã thành lập được hàng trăm CLB văn nghệ dân gian với nhiều loại hình phong phú như: ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, sắc bùa, chầu văn…
Dịch bệnh bùng phát, thiếu vắng dần những buổi biểu diễn hào hứng, sôi nổi, nhưng các loại hình nghệ thuật dân gian vẫn luôn hiện hữu, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nghi Xuân.
Đưa dân ca vào trường học
Không chỉ hiện hữu, len lỏi trong từng ngóc ngách đời sống của người dân, các loại hình dân ca còn được đưa vào trường học, đặc biệt là ví, giặm. Là một trong những biện pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa dân ca ví, giặm vào trường học đang được 100% trường tiểu học, THCS, THPT của huyện Nghi Xuân triển khai.
Dân ca được đưa vào tất cả các trường học bậc tiểu học đến THPT ở Nghi Xuân (Trong ảnh tư liệu: Một tiết mục biểu diễn dân ca của học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi).
Là người có nhiều kinh nghiệm truyền dạy dân ca trong trường học, cô Phan Thị Thùy Diễm - giáo viên Tổng Phụ trách đội Trường THCS Thành Mỹ cho biết: “Để khơi dậy được niềm đam mê của học sinh với dân ca thì giáo viên phải thực sự trở thành người “truyền lửa”. Ngoài giọng hát, kiến thức về dân ca, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp truyền dạy để quá trình tập luyện của cô trò hứng thú, hiệu quả hơn”.
Với sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục, phong trào đưa dân ca vào trường học đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua phong trào đã phát hiện nhiều gương mặt có năng khiếu, thật sự đam mê các loại hình nghệ thuật dân gian.
Em Đặng Thái Hà là gương mặt nổi bật tại các cuộc thi hát dân ca trong và ngoài tỉnh. Ảnh tư liệu
Em Đặng Thái Hà (học sinh lớp 8G, Trường THCS Nguyễn Trãi) là một trong những gương mặt quen thuộc tại các cuộc thi hát dân ca trong và ngoài tỉnh. Từ nhỏ, Thái Hà đã được đắm chìm trong những câu hát ngọt ngào của bà nội, được tiếp cận với không gian diễn xướng của những người dân vùng đất văn hóa Tiên Điền.
Lên lớp 2, Thái Hà thực sự “bén duyên” cùng ví, giặm và từ đó đến nay, niềm đam mê hát dân ca trong em càng lớn dần. Tại Liên hoan CLB dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2020, cậu bé gây ấn tượng với ban giám khảo và người xem bằng tiết mục hát xẩm “Khúc hát tâm tình”.
Thái Hà chia sẻ: “Dù hát nhiều thể loại khác nhau nhưng mỗi khi biểu diễn dân ca ví, giặm, được sống trong không gian văn hóa truyền thống, em vẫn có một cảm giác thật đặc biệt”.
Thái Hà và các bạn diễn trong Liên hoan CLB dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2020. Ảnh tư liệu.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, khi mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động đến các giá trị văn hóa của dân tộc, thì việc giáo dục cho người dân nói chung, học sinh nói riêng biết tự hào, phát huy, gìn giữ di sản của cha ông là vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Lưu giữ và phát huy các loại hình văn hóa dân gian là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Đó là động lực, là cơ sở để chính quyền và người dân huyện nhà quyết tâm thực hiện thành công đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”.