Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Không khí vui tươi, hạnh phúc là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm gia đình 3 thế hệ của ông Nguyễn Kỳ Thái (SN 1935) và bà Nguyễn Thị Cận (SN 1941) ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Gia đình 3 thế hệ của ông Thái - bà Cận.

Ngược dòng thời gian, ông Thái nhớ lại: “Năm 1960, tôi và vợ nên duyên vợ chồng, sau đó lần lượt có với nhau 6 người con (3 trai, 3 gái). Năm 1966 đến 1970, tôi đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ, một mình vợ gồng gánh cả gia đình. Thương vợ nên khi trở về, tôi “lao” vào làm đủ nghề để nuôi sống gia đình. Chúng tôi xác định, để thoát khỏi cái nghèo, việc học phải ưu tiên hàng đầu”.

Vì thế, dẫu cuộc sống còn lắm những gian lao, vất vả nhưng vợ chồng ông Thái vẫn hằng ngày động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Điều đáng quý nhất là ông bà vẫn lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, 6 người con ai cũng được học đại học và làm việc trong các ngành: giáo dục, công an, dầu khí.

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Vợ chồng ông Thái - bà Cận luôn là tấm gương về sự yêu thương, sẻ chia cho con cháu noi theo.

Hiện nay, 5 người con của ông bà sinh sống và làm việc tại các tỉnh miền Nam. Ông Thái và bà Cận đang sống cùng gia đình con trai thứ 4 là anh Nguyễn Kỳ Phi (SN 1971) và chị Dương Thị Kim Dung (SN 1977) cùng 2 cháu nội là Nguyễn Kỳ Dương Trường (SN 2001) và Nguyễn Kỳ Bảo An (SN 2009) tại quê nhà.

3 thế hệ cùng sống chung, dù có những khoảng cách tuổi tác nhưng gia đình ông Thái luôn giữ được hòa khí giữa các thành viên. Dù có nhiều khác biệt trong quan niệm, cách sống của mỗi thế hệ, song với sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, các thành viên trong gia đình luôn thuận hoà, hạnh phúc. Truyền thống, nền nếp gia phong được các thành viên gìn giữ, noi theo nên cả gia đình đều vui vẻ, phấn khởi, có ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên trong xã hội.

Dù phần lớn đều ở xa nhưng mỗi khi đến dịp lễ, tết, con cháu ông Thái luôn sắp xếp trở về, cùng tổ chức những bữa cơm sum họp để cả đại gia đình quây quần, chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Hạnh phúc nhất với ông Thái - bà Cận là được sống chung với các con, cháu mình, các thành viên luôn yêu thương nhau và rất hòa thuận khi sống chung dưới một mái nhà.

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Vợ chồng anh Phi - chị Dung luôn dành thời gian chăm lo gia đình, hiếu thuận với bố mẹ, dạy bảo con nên người.

Gia đình cũng chính là động lực để vợ chồng anh Phi - chị Dung cùng cố gắng, phấn đấu trong công việc và noi gương bố mẹ để nuôi dạy con cái. Anh Phi chia sẻ: “Tôi và vợ cưới nhau năm 2000, vợ chồng đều là giáo viên, từng công tác tại tỉnh Gia Lai. Năm 2005, chúng tôi quyết định trở về quê hương sống chung với bố mẹ bởi lúc ấy, anh chị em của tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng và lập nghiệp xa nhà, chỉ còn mỗi ông bà ở quê”.

Được biết, hiện anh Phi đang là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Sơn, còn chị Dung là giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Quang. Dẫu công việc khá bận rộn, song, anh chị luôn chủ động sắp xếp thời gian để chăm lo cho gia đình, hiếu thuận với bố mẹ, dạy bảo 2 con nên người.

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Chị Dung luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của bố mẹ chồng và cả gia đình để chu toàn mọi công việc.

Sống dưới mái nhà 3 thế hệ, với vai trò là con dâu, là vợ, là mẹ, chị Dung luôn sống thuận hòa, dạy bảo con cái chăm chỉ học hành, biết hiếu thảo với ông bà, kính trên nhường dưới. Chị Dung chia sẻ: “Trong mối quan hệ vợ chồng, chúng tôi luôn tôn trọng, yêu thương và đồng cảm cho nhau, cùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con nên người. Với bố mẹ, vợ chồng tôi luôn hiếu kính, giữ đạo làm con. 23 năm về làm dâu, bố mẹ chồng xem tôi như con gái trong nhà, ông bà luôn giúp đỡ, hỗ trợ để tôi có thể vừa chu toàn việc gia đình, vừa làm tốt công tác xã hội”.

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Một gia đình hạnh phúc, ấm êm là điều mà bà Cận luôn tự hào.

Trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống ngày một trở nên bận rộn, gấp gáp hơn, việc duy trì “ngọn lửa” hạnh phúc gia đình là điều không đơn giản, nhất là với những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Bởi vậy, sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ chính là bí quyết giúp gia đình ông Thái - bà Cận luôn rực “lửa” yêu thương. Nhờ có sự hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình nên không khí trong gia đình ông bà luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.

Trên khuôn mặt luôn rạng rỡ niềm vui, bà Cận bộc bạch: “Niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi là sự đoàn kết, yêu thương của con cháu. Đó chính là phúc phần, niềm an ủi của người làm bố mẹ nhận được lúc tuổi xế chiều. Vợ chồng tôi chẳng mong cầu gì hơn, chỉ mong con cháu luôn phát huy truyền thống gia đình, cùng giữ “lửa” hạnh phúc”.

Giữ “lửa” yêu thương trong gia đình 3 thế hệ ở Hà Tĩnh

Noi gương ông bà, bố mẹ, 2 anh em Trường và An luôn cố gắng học tập, làm việc.

Noi gương ông bà, bố mẹ, 2 người con của anh Phi - chị Dung luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, làm việc, hiếu thuận với gia đình. Dù làm việc tại Đà Nẵng nhưng hễ có thời gian nghỉ, em Trường lại lên xe trở về quê, cùng ăn bữa cơm với gia đình. Trường chia sẻ: “Với em, dù cuộc sống ngoài kia có áp lực, vất vả đến đâu thì khi trở về nhà, được sống trong vòng tay của ông bà, bố mẹ, mọi “cơn bão” đã dừng sau cánh cửa”.

Lối sống chân chất, mộc mạc cùng sự yêu thương, gắn kết từ các thành viên trong gia đình ông Thái đã giúp cho ngôi nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười. Mong cho những tình cảm, sự yêu thương của gia đình ông Thái sẽ là câu chuyện đẹp truyền đi năng lượng tích cực, lan tỏa những giá trị của gia đình tới cộng đồng, xã hội.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.