Hà Tĩnh cũng đối mặt nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế

(Baohatinh.vn) - Cũng như các địa phương trong cả nước, do việc mua sắm, cung ứng gặp nhiều vướng mắc nên các cơ sở khám, chữa bệnh ở Hà Tĩnh đối mặt nguy cơ thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đối mặt với tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đối mặt với nguy cơ thiếu một số vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiết yếu.

Hà Tĩnh cũng đối mặt nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế

Doanh nghiệp không dự thầu, các cơ sở y tế Hà Tĩnh đối mặt với nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm và thuốc.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh mỗi ngày tiếp nhận, thăm khám cho gần 1.000 bệnh nhân ngoại trú, điều trị cho trên 800 bệnh nhân nội trú nên nhu cầu về thuốc, vật tư và các hóa chất, sinh phẩm rất lớn. Để đảm bảo có vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ bệnh nhân, BVĐK tỉnh đã dự trữ hàng đến hết tháng 7/2022. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm nhà thầu không cung ứng được nên sau tháng 7/2022, bệnh viện sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt.

Theo thống kê, BVĐK tỉnh có 83 danh mục vật tư, hóa chất, sinh phẩm nhà thầu không cung ứng được, trong đó phải kể đến một số loại thiết yếu như: dung dịch rửa tay nhanh, dung dịch sát khuẩn, khử trùng, vật liệu cầm máu; một số loại test; các vật tư phục vụ cho phẫu thuật như: tay dao điện, tay dao lưỡng cực, dây dao siêu âm, lưỡi cưa lắc, kẹp cầm máu...

Hà Tĩnh cũng đối mặt nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế

BVĐK tỉnh có 83 danh mục vật tư, hóa chất, sinh phẩm mà nhà thầu không cung ứng được, ảnh hưởng lớn đến việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Tại BVĐK huyện Đức Thọ, theo tính toán, từ nay đến tháng 8/2022, nếu không có đơn vị cung ứng kịp thời thì đơn vị sẽ đối mặt nguy cơ thiếu rất nhiều loại vật tư, thiết bị như: bộ dây lọc máu thận nhân tạo, găng tay không tiệt trùng, găng tay tiệt trùng, dây chuyền dịch, dây oxy... Bên cạnh đó sẽ thiếu hụt nhiều loại hóa chất xét nghiệm điện giải, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm sinh hóa và các sinh phẩm cần thiết khác.

Bác sỹ Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ cho biết: “Thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện thăm khám cho từ 300 - 350 bệnh nhân ngoại trú, điều trị nội trú cho từ 160 - 220 bệnh nhân nên nhu cầu về vật tư, hóa chất sinh phẩm là khá lớn. Việc thiếu hụt về vật tư, sinh phẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thăm khám, điều trị cho người bệnh”.

Theo tổng hợp từ Sở Y tế, nguy cơ thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh sẽ xảy ra trong một vài tháng tới tại nhiều cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức đấu thầu, mua sắm tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho các cơ sở y tế công lập năm 2022 (sử dụng năm 2022 - 2023), tuy nhiên, qua mở thầu có nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự.

Hà Tĩnh cũng đối mặt nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế

BVĐK huyện Đức Thọ thiếu nhiều vật tư, sinh phẩm phục vụ khu chạy thận nhân tạo.

Theo Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính (Sở Tài chính), ngày 26/5/2022, đơn vị đã thông báo mời thầu gói thầu VT 01.2022 mua sắm vật tư y tế và gói thầu HC-VT 01.2022 mua sắm hóa chất, sinh phẩm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và hồ sơ mời thầu được bán tại trung tâm. Đến ngày 17/6/2022, Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính tổ chức đóng, mở thầu các gói thầu này theo quy định. Kết quả, đối với gói thầu VT 01.2022 về mua sắm vật tư y tế (gồm 10 phần), tại thời điểm đóng thầu có 12 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu 9 phần, còn lại một phần không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Đối với gói thầu HC-VT 01.2022 mua sắm hóa chất, sinh phẩm gồm 7 phần, tại thời điểm đóng thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu một phần, 6 phần còn lại không có nhà thầu nộp hồ sơ. Vì vậy, Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính đã gia hạn thời gian đóng thầu đến 8 giờ ngày 27/6/2022 nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Tuy vậy, tại thời điểm đóng thầu mới vẫn không có nhà thầu nào nộp hồ sơ dự thầu 7 phần của gói thầu này.

Về cung ứng thuốc, do việc mua sắm thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và thuốc đàm phán giá tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia chưa có kết quả dẫn đến sắp tới sẽ có một số thuốc đấu thầu cấp quốc gia không đảm bảo cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là một số kháng sinh đặc trị, thuốc điều trị ung thư, thuốc chạy thận nhân tạo...

Hà Tĩnh cũng đối mặt nguy cơ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế

Các cơ sở y tế sẽ thiếu một số kháng sinh đặc trị, thuốc điều trị ung thư, thuốc chạy thận nhân tạo.

Bên cạnh đó, một số nhà thầu trúng thầu gói thầu vị thuốc cổ truyền nhưng không thể cung ứng được cho các cơ sở khám, chữa bệnh do chưa được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, trong khi quy định mới của Bộ Y tế tại Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 về quy định chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền thì đơn vị cung ứng phải có giấy đăng ký lưu hành.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Trước những vướng mắc, khó khăn trong việc mua sắm nên thời gian tới, các loại thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm thiết yếu sẽ có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây khó khăn lớn cho công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh văn bản gửi Chính phủ kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế”.

Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế sửa đổi một số nội dung trong Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; sửa đổi Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2022 quy định một số nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập để tạo hành lang pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn cho việc mua sắm.

Đối với cung ứng thuốc, tăng cường tiến độ đấu thầu thuốc tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để sớm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá; cần có hướng dẫn chuyển tiếp trong việc cung cấp vị thuốc cổ truyền chưa được cấp số đăng ký lưu hành đối với các trường hợp cơ sở y tế đã ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư 38/2021/TT-BYT được ban hành.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy, một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. Việc hiểu và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại. Ngoài ra, tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc, dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.