Hệ thống sân chơi bãi tập tại các trường học ở Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất cho học sinh
Hàng trăm tỷ đồng xây dựng thiết chế giáo dục thể chất
Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất đối với đổi mới giáo dục và đào tạo, các trường học đều coi việc hoàn thiện thiết chế giáo dục thể chất. Không chỉ nhà tập đa năng được xây dựng khang trang, hệ thống sân chơi, bãi tập được đầu tư đồng bộ… mà chất lượng giáo viên cũng được nâng lên rõ rệt. Điều đó khiến giáo viên lẫn học sinh đều có niềm hứng thú với môn học này, từ đó góp phần phát triển tố chất, thể lực, tầm vóc con người Việt.
Thầy Nguyễn Văn Kỳ - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Thạch Hà) cho biết: “Để có được hệ thống bể bơi, 2 sân bóng đá nhân tạo được xây dựng tách biệt với khuôn viên sân trường, 2 sân bóng chuyền, bóng rổ, nhà tập đa năng… với kinh phí gần 6 tỷ đồng, nhà trường đã huy động từ phong trào xã hội hóa và các dự án”.
Không riêng Trường THCS Lê Hồng Phong mà ở Thạch Hà từ năm học 2017-2018 đến nay, việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống sân cỏ để thúc đẩy các hoạt động giáo dục thể chất đã được thực hiện tại hơn 50 trường với nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Theo số liệu của các địa phương, mỗi năm, Hà Tĩnh huy động hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất trường lớp, trong đó có kinh phí để cải tạo, nâng cấp và mở rộng sân chơi, sân học bộ môn giáo dục thể chất.
100% trường mầm non ở Thạch Hà xây dựng sân cỏ để học sinh rèn luyện thể chất (Ảnh chụp tai Trường MN xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà)
Ông Trần Quang Phát - Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh có 452 sân tập tách riêng, 102 nhà tập đa năng, 378 sân bóng đá, 480 sân bóng chuyền, 59 sân bóng rổ, 58 bể bơi, 463 sân cầu lông. Hầu hết các sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao. Nhiều trường đã hình thành được các CLB thể thao, tập hợp các em có chung niềm đam mê. Thực tế, sau một số giải phong trào, đặc biệt là Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức hằng năm, nhiều nhân tố đã được các chuyên gia chiêu mộ để đào tạo thành vận động viên chuyên nghiệp”.
Tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn
Cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình giáo dục thể chất chính khóa, các trường học đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ các chuyên đề tập huấn, gần 700 giáo viên môn thể dục ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Trường THCS Đại Nài (TP Hà Tĩnh) lựa chọn các môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng để học sinh rèn luyện
Dựa trên định hướng phát triển chương trình của trường, các thầy cô giáo đã chủ động lựa chọn môn thể thao phù hợp để thực hiện việc dạy học xuyên suốt trong cả cấp học. Trong đó, ưu tiên các môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng, đại hội thể thao cấp tỉnh hằng năm như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, bơi, cờ vua, võ cổ truyền...
Thầy Hồ Anh Bảo - giáo viên thể dục Trường THCS Đại Nài (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ngoài chương trình chính khóa, chúng tôi đã thành lập các CLB theo sở thích của học sinh, tạo điều kiện cho các em vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phát huy năng lực, sở trường. Hiện, trường có 3 CLB chính, đó là bơi lội, bóng đá, bóng chuyền. Ngoài ra, trong mỗi giờ học, chúng tôi còn hướng dẫn các em tập luyện thêm những môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu nhằm nâng cao năng lực cho học sinh”.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 670 CLB thể thao ở tất cả các trường học, tạo nên sân chơi ngoại khóa hấp dẫn, bổ ích, cuốn hút học sinh. Đây cũng chính là những cái nôi phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân đóng góp cho các giải thể thao, điền kinh cấp huyện, tỉnh.
Nhà tập đa năng là nơi các thành viên CLB bóng chuyền Trường THCS Lê Hồng Phong xã Thạch Khê (Thạch Hà) thường xuyên tập luyện
Em Nguyễn Thị Hồng Tâm - học sinh lớp 8C, Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: “Em hiện đang là chủ công trong CLB bóng chuyền của trường. Việc tham gia sinh hoạt CLB không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn niềm yêu thích môn thể thao này, mà còn giúp em rèn luyện kỹ năng sống và mở rộng mối quan hệ bạn bè. Từ quá trình luyện tập hay thi đấu, các thành viên trong CLB đã trở thành bạn bè thân thiết, luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong học tập và cuộc sống”.
Bằng việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, hoạt động giáo dục thể chất trong các trường học ở Hà Tĩnh đã lan tỏa thành phong trào thi đua sôi nổi. Đó cũng là cách để hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh đồng thời góp phần phát hiện, đào tạo hạt nhân cho các giải đấu chuyên nghiệp. Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh hàng năm chính là một trong những hoạt động ý nghĩa, là “sân chơi” bổ ích cho môn giáo dục thể chất trong nhà trường.