Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện trên 52.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng trên 53% so với cùng kỳ năm 2021, 29 trường hợp tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống SXH, nhất là thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông để người dân chủ động phòng, chống.
Dịch bệnh SXH đang bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: SKĐS
Tại Hà Tĩnh, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 7 ca mắc SXH, trong đó, có 6 ca ngoại lai.
Ca bệnh gần nhất được phát hiện vào ngày 13/6 tại BVĐK tỉnh. Theo đó, bệnh nhân trú tại thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, nhập viện trong tình trạng sốt, đau nhức toàn thân. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này dương tính với SXH.
Một bệnh nhân SXH đang điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin có ca bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng cử đội cơ động phòng, chống dịch có mặt tại nhà của bệnh nhân cùng với Trung tâm Y tế huyện, chính quyền địa phương điều tra các trường hợp có sốt, giám sát mật độ muỗi, mật độ lăng quăng bọ gậy và chỉ đạo công tác phòng, chống.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế tại nhà ở của bệnh nhân và các hộ dân xung quanh cho thấy, chỉ số mật độ muỗi và lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước rất cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng với Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà và chính quyền xã Hộ Độ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại thôn Vĩnh Phú.
Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Ngay khi nắm bắt được thông tin tại thôn Vĩnh Phú có trường hợp mắc SXH, xã đã nhanh chóng tuyên truyền rộng rãi cho người dân trên địa bàn thôn nắm bắt, kịp thời có các giải pháp phòng, chống. Chiều 14/6, xã huy động toàn bộ bà con nhân dân trong thôn ra quân vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu vực có ao tù, nước đọng, chủ động lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Đặc biệt, xã chỉ đạo trạm y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi xung quanh gia đình bệnh nhân”.
Hiện ngành y tế đang tiếp tục chỉ đạo thôn Vĩnh Phú nhanh chóng rà soát các trường hợp có dấu hiệu sốt để sàng lọc, phát hiện kịp thời các ca mắc SXH, tránh dịch lây lan, bùng phát diện rộng.
Qua kiểm tra tại bể chứa nước ở Chợ Trại - gẫn nhà ở bệnh nhân cho thấy có rất nhiều lăng quăng, bọ gậy.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận định: “Dù đến nay, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn ổn định, chỉ xuất hiện rải rác, chưa thành các ổ dịch song người dân tuyệt đối không được chủ quan lơ là.
Dịch đang diễn rất phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam, trong khi người đi từ các địa bàn này về khá lớn nên nguy cơ dịch bùng phát là khá cao. Theo nhận định, năm nay, SXH sẽ đến sớm hơn so với các năm khác nên công tác phòng, chống dịch là một nhiệm vụ hết sức cấp bách, trong đó, ý thức của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng”.
Nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng bọ gậy được phát hiện tại thôn Vĩnh Phú.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng, chống hiệu quả SXH, các địa phương cần tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực biện pháp phòng dịch cho cá nhân và cộng đồng, nhất là chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Đối với ngành y tế, cần tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến. Tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng.