Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra ổ dịch tại thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà
Ngày 10/9, ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở thị trấn Hương Khê, sau hơn 2 tháng, toàn tỉnh đã có 7 ổ dịch tại 6 huyện, thị gồm: xã Tùng Lộc (Can Lộc) 43 ca, thị trấn Hương Khê (Hương Khê) 38, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) 26 ca; Hồng Lộc (Lộc Hà) 19 ca; Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) 13 ca, Thạch Long (Thạch Hà) 17 ca; Xuân Hội (Nghi Xuân) 15 ca.
... đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp phòng chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành y tế Hà Tĩnh đã tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống, nhất là ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh. Cùng với đó là tiến hành nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn đang có dịch cũng như các địa bàn tiếp giáp, lân cận.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của ngành y tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương, ổ dịch sốt xuất huyết cuối cùng ở xã Hồng Lộc với 19 ca mắc đã được khống chế thành công khi đã qua 14 ngày không xuất hiện ca bệnh mới.
Như vậy sau hơn 2 tháng tập trung chống dịch, 7 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đã chính thức bị “xóa sổ”. Các bệnh nhân đều đã được điều trị khỏi, không có trường hợp tử vong.
Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước, không để muỗi đẻ trừng là giải pháp quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia y tế, dù dịch đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay sẽ rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Do vậy, bà con cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống sốt xuất huyết như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.
Khi đi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.