Cán bộ ngành y tế xuống tận các hộ gia đình tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam… đang bùng phát dịch trên diện rộng, số người mắc lớn nên đặt Hà Tĩnh vào tỉnh có nguy cơ cao.
Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Bình - địa phương tiếp giáp với Hà Tĩnh hiện có gần 8.000 ca mắc SXH, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Nhờ tập trung quyết liệt các giải pháp dự phòng nên dịch SXH trên địa bàn Hà Tĩnh đang được khống chế.
Phun hóa chất diệt muỗi là giải pháp phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt tại các ổ dịch
Ngày 10/9, ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở thị trấn Hương Khê, sau gần 2 tháng đã có 170 ca với 7 ổ dịch tại 6 huyện, thị trong tỉnh (Can Lộc, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà).
Trong đó, địa phương có số người mắc lớn là: Xã Tùng Lộc (Can Lộc) 43 ca, thị trấn Hương Khê (Hương Khê) 38 ca, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) 26 ca… Còn lại phân bố tại các xã khác như: Hồng Lộc (Lộc Hà) 19 ca, Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) 13 ca, Thạch Long (Thạch Hà) 17 ca, Xuân Hội (Nghi Xuân) 15 ca, Cương Gián (Nghi Xuân) 1 ca.
Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn cả nước và một số địa bàn trong tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch ngay từ khi xuất hiện các trường hợp mắc sốt đầu tiên để ngăn chặn dịch không bùng phát trên diện rộng.
Vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng là giải pháp quan trọng để phòng chống SXH
“Dự phòng là yếu tố then chốt trong phòng chống SXH. Với phương châm không có lăng quăng không có sốt xuất huyết, Trung tâm CDC đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các ban, ngành cấp xã, thôn ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh.
Cùng với đó là tiến hành nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn đang có dịch cũng như các địa bàn tiếp giáp, lân cận. Vận động, tuyên truyền người dân thả cá rô vào bể chứa nước sinh hoạt; đi ngủ mắc màn phòng muỗi đốt” - bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm CDC Hà Tĩnh cho biết.
Sau một thời gian triển khai các giải pháp phòng chống dịch, Hà Tĩnh đã khống chế thành công các ổ dịch tại xã Thạch Long (Thạch Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) và Xuân Hội (Nghi Xuân). Đến nay, cả 4 khu vực này không còn thêm trường hợp mắc mới trong hơn 14 ngày qua.
Tại 3 ổ dịch ở 3 xã còn lại, gần 1 tuần này không phát sinh bệnh nhân mắc SXH mới.
Hà Tĩnh tập trung cao trong việc giám sát, điều trị người bị mắc SXH
Cùng với công tác dự phòng, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho việc điều trị các ca bị mắc SXH. Bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cẩm Xuyên cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các trạm y tế tập trung theo dõi, giám sát các trường hợp bị sốt và có các dấu hiệu nghi mắc sốt xuất huyết. Khi phát hiện các trường hợp mắc SXH, nhanh chóng chuyển người bệnh lên tuyến trên để điều trị kịp thời. Đến nay, 13/13 ca nhiễm SXH trên địa bàn huyện đã khỏi hoàn toàn.
Được biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 167 người bị mắc sốt xuất huyết được các cơ sở y tế điều trị khỏi. Số người bệnh còn lại tiếp tục được điều trị và đang hồi phục rất tích cực. Đặc biệt, đến nay, Hà Tĩnh chưa có có trường hợp tử vong do dịch SXH.