Sáng nay (1/12) Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS; mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự hội nghị. Ảnh: Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 1990, Việt Nam phát hiện bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên, đến nay, trên 211.981 trường hợp nhiễm HIV; có 191.850 trường hợp chuyển sang AIDS, 103.426 trường hợp tử vong.
Đến nay, cả nước đã có 340 cơ sở với hơn 52.000 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Có trên 13.000 trường hợp đã điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP). Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV giúp giảm 98% nguy cơ bị nhiễm HIV.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Dịch vụ xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng từ y tế nhà nước, tư nhân, xét nghiệm cộng đồng, lưu động, tự xét nghiệm HIV. Mỗi năm có khoảng 2,5-3 triệu mẫu xét nghiệm HIV (tăng gấp 20 lần so với giai đoạn trước 2010).
Có trên 150 ngàn bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV liên tục giảm, 4 năm gần đây đều dưới mức 2,5%. Số nhiễm HIV, mắc AIDS, tử vong liên quan AIDS giảm 2/3 trong vòng 15 năm qua. Việt Nam đã khống chế tỷ lệ HIV cộng đồng dưới 0,3%.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 87% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV.
Hội nghị cũng đã phân tích những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng chống HIV/AIDS nhất là mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 HIV mới (HIV+); các hành vi nguy cơ diễn biến phức tạp; lây truyền qua đường tình dục gia tăng; tỷ lệ HIV+ gia tăng nhanh trong nhóm MSM; kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS vẫn dựa nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế; nhiều hoạt động đặc thù trong phòng, chống HIV/AIDS chưa có cơ chế tài chính phù hợp.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại đang gặp phải, Việt Nam đề ra mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS. Quyết tâm chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong 30 năm qua tại Việt Nam. Những kết quả đạt được đã góp phần giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị (ảnh:baochinhphu.vn)
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của cộng đồng, hỗ trợ xã hội. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Đổi mới công tác truyền thông, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử; đa dạng hóa công tác xét nghiệm sàng lọc, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định, nâng cao chất lượng điều trị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội với người nhiễm HIV; nâng cao trách nhiệm của người nhiễm của người nhiễm HIV với gia đình và xã hội, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Tại Hà Tĩnh, trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,14% và đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Mỗi năm, ngành y tế tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV từ 3.500 - 6.000 mẫu. Có 87% bệnh nhân được điều trị ARV. |