Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành hội nghị phía đầu cầu tỉnh
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến ngày 10/6/2019, dịch bệnh đã xảy ra 3.918 xã, 402 huyện của 54 tỉnh, thành phố, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.457.383 con với trọng lượng 146.149 tấn. Đã có 55 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh dịch trở lại.
Đối với Hà Tĩnh, bệnh DTLCP được phát hiện từ ngày 17/5/2019 cho đến nay ghi nhận 8 ổ dịch tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy tại các ổ dịch là 122 con (13 nái, 35 thịt, 74 lợn con), trọng lượng là 5.898 kg.
Đến nay, Hà Tĩnh đã tiêu hủy 122 con lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi
Hà Tĩnh đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, lập và duy trì hoạt động của chốt kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1A và đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn vào và đi qua địa bàn. Qua đó đã xử lý 18 trường hợp vi phạm, số tiền 18.500.000 đồng; tiêu hủy 200 kg thịt lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, áp tải về nơi xuất phát 8 trường hợp.
Đại diện Công ty CP chăn nuôi Mitraco: Mặc dù công ty thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP hết sức nghiêm ngặt nhưng hiện tại theo phần mềm chấm điểm nuôi an toàn sinh học chỉ mới đạt 65/100 điểm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm từ nguồn nước, động vật trung gian và vận chuyển là rất cao.
Nhằm phòng chống DTLCP, tỉnh cũng đã cấp 9.900 lít hóa chất để tổng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và chủ động ứng phó với dịch bệnh; phát 1.000 sổ tay chỉ đạo phòng, chống dịch và 15.000 tờ rơi trực tiếp cho người chăn nuôi.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở TNMT Phan Lam Sơn: Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, các địa phương cần phải kết nối với ngành để xác đinh vị trí tiêu hủy, đảm bảo môi trường. Đây là vấn đề hết sức quan trọng tránh tình trạng lúng túng khi dịch bệnh xẩy ra trên diện rộng với mức độ lớn.
Tuy vậy, công tác phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại cần phải bổ cứu kịp thời.
Qua kiểm tra, một số xã như: Thạch Liên, Thạch Kênh, Cẩm Hòa… công tác chỉ đạo chưa bám sát kịch bản phòng chống dịch theo Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 15/3/2019 của UBND tỉnh. Việc giết mổ lợn, tại nhiều địa phương còn thiếu kiểm soát, không đưa đến các cơ sở giết mổ tập trung, nhất là các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ,...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Trần Hùng: Thời gian tới, các địa phương cần quan tâm công tác tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý, khuyến cáo để giảm đàn, đồng thời hoàn thiện đẩy đủ hồ sơ trong quá trình tiêu hủy để kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi...
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất tại các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ Thú y nhất là cấp huyện còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, cùng thực trạng tồn tại trong công tác phòng, chống dịch, thời gian tới, bệnh DTLCP dự báo sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh tại các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà và nguy cơ phát sinh dịch bệnh tại các huyện có mật độ chăn nuôi lớn như: Can Lộc, Thạch Hà…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, không để dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong đó, cần lưu ý đến việc giảm đàn càng nhanh càng tốt; các địa phương có vùng giáp ranh phải phối hợp với nhau thành trong việc lập chốt kiểm dịch không để trống; quan tâm đến chế độ cho lực lượng trực chốt canh và chủ động trước mọi tình huống khi dịch bệnh xẩy ra quy mô lớn để xử lý đồng bộ theo đúng quy trình.