Hà Tĩnh rà soát tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu

(Baohatinh.vn) - Trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Hà Tĩnh đang tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị tạm hoãn do dịch Covid-19 để thực hiện tiêm bù, tiêm vét đầy đủ.

Đến ngày 7/7, cả nước ghi nhận có 63 ca bệnh bạch hầu. Trong ảnh: Điểm cách ly tại bon BuN“doh, xã Đắk Wer (Đắk R”lấp, Đắc Nông). Ảnh Báo Tuổi trẻ

Tính đến ngày 7/7/2020, Việt Nam ghi nhận 63 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên, gấp 3 trung bình hằng năm, hiện đã có 3 trường hợp tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và cả người lớn nếu không có miễn dịch, có khả năng gây tử vong cao. Bệnh có thể phòng ngừa rất hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin, vì vậy, các phụ huynh nên đưa con trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong đó có bạch hầu.

Theo bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, ở nước ta, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, vì thế người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy vậy, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch.

Các bé được khám phân loại trước khi tiêm phòng.

“Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPT-VGB-Hib (SII) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời” - bác sỹ Tâm khuyến cáo.

Đối với người lớn, tiêm 1 mũi dự phòng Boostrix và 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần, tuy nhiên không bắt buộc. Riêng phụ nữ mang thai nên tiêm mũi vắc-xin dự phòng: bạch hầu - ho gà - uốn ván cách thời điểm trước sinh 3 tháng.

Tại Hà Tĩnh, nhiều năm qua, ngành y tế không ngừng đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, nhờ đó, bệnh bạch hầu được khống chế, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh.

Ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung rà soát để tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho trẻ.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, năm 2019, toàn tỉnh có 19.479 trẻ được tiêm đủ mũi vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng (đạt tỷ lệ 82,3%); 21.093 trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi được tiêm nhắc lại liều DPT, đạt tỷ lệ 87,3%.

Được biết, từ tháng 10/2019, Hà Tĩnh thay thế tiêm vắc-xin ComBeFive (vắc-xin phối hợp 5 trong 1, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ) bằng vắc-xin DPT-VGB-Hib hay còn gọi là SII (giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi-rút viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 8.293 trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin SII cho trẻ dưới 1 tuổi và 6.511 trẻ từ 18 tháng được tiêm mũi DPT.

Trước tình hình xuất hiện bệnh nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có Công văn số 422 ngày 26/6/2020 về việc đôn đốc triển khai công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên ở tuyến cơ sở, tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng trong thời gian bị tạm hoãn do dịch bệnh Covid-19 để thực hiện tiêm bù, tiêm vét đầy đủ.

Lịch tiêm chủng vắc-xin SII trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Hà Tĩnh:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi

Mũi 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi

Mũi 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói