Nhiều khoản thu tăng khá
Theo nhận định của ngành thuế, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và khởi sắc đã góp phần kích thích các doanh nghiệp (DN) tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của cơ quan thuế theo đó được tác động tích cực.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Đến tháng 8, tổng thu ngân sách nội địa ước đạt hơn 6.085 tỷ đồng, bằng 78% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó thu tiền đất đạt 3.939 tỷ đồng).
Các sắc thuế đạt mức tăng trưởng khá như: thuế thu nhập cá nhân đạt 123%, lệ phí trước bạ đạt 82%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 99%, tiền thuê đất đạt 71%, thu tiền sử dụng đất đạt 106%, thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 160%...
Đặc biệt, phân theo địa bàn quản lý thuế, nhiều địa phương vượt thu như: TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thạch Hà, Vũ Quang…
Lĩnh vực đóng góp lớn trong tăng trưởng thu nội địa của Hà Tĩnh xuất phát từ đất đai, đặc biệt là chuyển nhượng bất động sản.
Để đạt được mức thu khá như hiện nay, ngành thuế đã đề ra nhiều giải pháp quản lý, chỉ đạo như: rà soát nguồn thu tại các địa bàn có nguồn thu lớn, nhà thầu nước ngoài, rà soát đối tượng quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hồ sơ kê khai thuế và thực tế phát sinh thuế trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn;
Tăng số lượng, chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế; áp dụng nhiều giải pháp quản lý nợ thuế; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung tuyên truyền, hỗ trợ để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế…
Tuy vậy, thực tế kết quả thu ngân sách cho thấy, lĩnh vực đóng góp lớn trong tăng trưởng thu nội địa của Hà Tĩnh là từ đất đai. Theo số liệu thống kê, riêng kết quả thu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản từ đầu năm đến nay là 219 tỷ đồng, tăng 145 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ tăng 195% so với cùng kỳ năm 2021). Trong khi đó, việc thu từ đất được đánh giá có yếu tố thị trường nên tính bền vững không cao.
Bộ phận một cửa - huyện Vũ Quang (Chi cục Thuế khu vực Hương Khê - Vũ Quang) trao đổi với người nộp thuế.
Theo ông Hà Huy Hải - Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Hương Khê - Vũ Quang: “Đến nay, số thu trên địa bàn huyện Vũ Quang vượt hơn 40% kế hoạch năm 2022. Nguồn thu đạt khá do thu từ tiền sử dụng đất và tiền cấp quyền khai thác của một số mỏ khoáng sản trên địa bàn. Xác định đây là nguồn thu mang tính thời điểm, không bền vững nên chúng tôi đang tập trung các giải pháp để tăng thu từ nguồn phí, lệ phí”.
Dự án khu Shophouse và hạ tầng khu dân cư nông thôn tại xã Thạch Đài mang về nguồn thu lớn cho địa phương.
Cũng có nguồn thu từ đất tăng khá, huyện Thạch Hà đã vượt kế hoạch thu của năm gần 50%. Được biết, do đầu năm, Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu Shophouse và hạ tầng khu dân cư nông thôn tại xã Thạch Đài với số tiền hơn 315 tỷ đồng đã đẩy nguồn thu của địa phương này đạt cao.
Đồng bộ các giải pháp tăng thu
Ngành thuế đang tập trung khai thác nguồn thu thuế xây dựng cơ bản.
Các cuộc họp gần đây của ngành thuế đã dự báo, số thu những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ; việc hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh... sẽ tác động mạnh đến kết quả thu.
Để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch HĐND tỉnh giao với 7.800 tỷ đồng, ngành Thuế Hà Tĩnh đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.
Ngành thuế đang tập trung cao cho công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Cục Trưởng Cục Thuế Trương Quang Long cho biết: “Đối với công tác quản lý thuế, Cục Thuế thường xuyên phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, xác định cụ thể từng lĩnh vực, sắc thuế có nguy cơ thất thu, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, trên cơ sở đó tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo, điều hành thu; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Khai thác tốt nguồn thu hiện có, nhất là thuế xây dựng cơ bản, thuế nhà thầu của các DN đầu tư nước ngoài và các DN ngoại tỉnh thi công trên địa bàn; thuế tài nguyên, phí môi trường của các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh khách sạn, ăn uống, thương mại, du lịch… để tăng nguồn thu cho ngân sách”.