Mực nhảy Vũng Áng đã trở thành thương hiệu (Video: Thu Trang)
Nói đến hải sản mang thương hiệu Hà Tĩnh thì có lẽ mực nhảy Vũng Áng là món ăn được xếp đầu bảng. Khác với những loại mực thông thường ở các vùng biển khác, mực nhảy Vũng Áng ngon nức tiếng bởi khách hàng được trực tiếp bắt những con mực còn đang bơi trong lồng, khi bỏ vào chậu vẫn còn nhảy tanh tách.
Mùa mực nhảy thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến hết tháng 7 âm lịch. Những con mực tươi sống được thợ lành nghề đi câu trong đêm, thả nuôi vào khoang thuyền trữ sẵn nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng trên bè nổi.
Những con mực vẫn còn sống khi được vớt lên từ khoang nuôi trữ sẵn nước biển.
Anh Nguyễn Văn Thành - chủ một nhà hàng hải sản ở Vũng Áng cho biết, mực nhảy ngon nhất khi vừa vớt lên từ lồng nuôi, rửa sạch để nguyên con đem luộc, hấp bia hoặc kho gừng. Vị ngọt và béo, độ giòn của con mực còn tươi nguyên khiến mực nhảy Vũng Áng không thể lẫn với mực vùng khác.
Vị giòn, ngọt, tươi ngon của mực Vũng Áng khó lẫn với mực ở các vùng biển khác.
Với người sành ăn mực nhảy Vũng Áng thì gỏi là món không thể thiếu trong thực đơn khi đến với các nhà hàng bè nổi nơi đây. Những con mực to nhất, bơi khỏe nhất được đầu bếp lựa chọn, bỏ hết các bộ phận chỉ lấy phần thân có màu trong suốt để làm gỏi. Món gỏi mực ăn kèm với rau thơm, các loại gia vị và nước chấm đặc biệt do từng nhà hàng pha chế khiến thực khách xuýt xoa.
Cùng với mực nhảy thì vùng biển Kỳ Anh còn có món sứa lá dung cũng nổi tiếng không kém. Con sứa tươi được người dân Kỳ Anh trộn các loại lá có vị chát như lá lấu, lá dung. Những loại lá này được lấy trong rừng, rửa sạch, phơi nắng, ủ sương, xay nhuyễn rồi mới dùng ép sứa để giúp con sứa có màu vàng tươi, không bị tanh nhớt.
Sứa được ướp với lá dung - món ăn kỳ công của người Kỳ Anh. Ảnh: Thu Trang
Chuẩn bị lá đã kỳ công, công đoạn ướp sứa cũng lắm công phu. Sứa được tách riêng phần thân và phần chân, sau đó thái thành những miếng nhỏ. Sứa tươi được ép với lá lấu, lá dung xay nhỏ trong vòng 2 ngày, sau đó rửa sạch, tiếp tục ép với bột lá dung một đêm. Khi sứa đã ngả sang màu vàng, đạt được độ thơm và giòn mới là mẻ sứa thành công.
Là món ăn dân dã đặc trưng của người Kỳ Anh nhưng ai đã một lần được thưởng thức sứa chấm ruốc, nộm sứa, gỏi sứa lá dung thì đều khó có thể quên hương vị giòn dai của sứa, cay nồng của ớt, bùi béo của lạc rang giã nhỏ và mùi thơm của các loại rau ăn kèm như rau hao, kinh giới, húng, răm...
Món ăn dân dã nhưng đủ sức làm “xiêu lòng” người thưởng thức.
Đến với vùng biển ngang của huyện Lộc Hà, du khách sẽ dễ bị “níu chân” bởi món gỏi cá đục ngon khó cưỡng. Thịt trắng và săn chắc, cá đục được thực khách ưa chuộng với nhiều cách chế biến nhưng để cảm nhận hết được vị ngon của loại cá này thì món gỏi là nhất.
Cá đục được chọn làm gỏi là những con tươi ngon, không quá to cũng không quá bé, thân vẫn còn nguyên lớp vảy bạc lấp lánh. Cá được đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu, bỏ hết ruột, rửa sạch để ráo nước; dùng dao tách lấy phần thớ thịt hai bên thân cá. Phần thịt này sẽ được ướp bằng nước cốt chanh chừng 20 - 30 phút rồi vắt khô. Cá đã chế biến được trộn cùng hành tây, dứa, xoài xanh, cà rốt thái sợi, lạc rang...
Gỏi cá đục ở vùng biển ngang Lộc Hà khiến nhưng thực khách khó tính cũng “xiêu lòng”. (Ảnh Tùy Phong).
Để món gỏi cá đục dậy mùi, đậm vị, người dân Lộc Hà ăn cùng với một loại nước chấm được chế biến từ gần 15 loại gia vị khác nhau như: nước cốt chanh, tỏi băm, hành tím, lạc rang, ớt, rau thơm, nước mắm... Hỗn hợp này được đun sôi, hòa quyện đầy đủ vị chua cay, mặn ngọt. Gỏi cá cuốn trong bánh đa nem chấm cùng loại nước này khiến cho những thực khách khó tính nhất cũng phải gật gù.
Lần đầu tiên được thưởng thức gỏi cá đục, chị Phạm Mai Huê đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Mình rất ít khi ăn gỏi nhưng lần đi cùng bạn về Hà Tĩnh chơi, được giới thiệu món gỏi cá đục nên ăn thử và đúng là vị rất ngon. Lần sau có dịp quay lại Hà Tĩnh, mình vẫn muốn thưởng thức lại món ăn đặc biệt đó”.
Hến Đức Thọ được chế biến đúng kỹ thuật để không bị nát, giữ được vị ngọt mát. (Ảnh Dương Chiến).
Ngược lên Đức Thọ, vị ngọt mát của hến sông La chắc chắn cũng sẽ không làm bạn phải hối tiếc vì đã nếm thử. Sau cơn lũ đi qua để lại phù du là nguồn thức ăn tự nhiên giúp hến nơi đây sinh sôi nảy nở và có hương vị đặc trưng, ngon ngọt hơn các vùng khác.
Hến sau khi được đánh bắt phải ngâm nước để nhả bùn, nhặt sạch sạn, rác; sau đó rửa sạch và luộc sơ để hến nhả ruột. Khi luộc hến, lửa phải đủ to để nước vừa sôi trong thời gian ngắn cho hến há miệng nhưng phần thịt không bị nhừ. Cả ruột và vỏ hến đều chìm nhưng phần thịt nhẹ hơn vỏ, khi chao dưới nước, ruột sẽ nổi lên trên bề mặt nên chỉ cần nhanh tay hất phần ruột hến sang rổ khác.
Hương vị của món hến níu chân nhiều người con xa quê.
Hến Đức Thọ thường được chế biến thành nhiều món như nấu canh, nấu cháo, xào giá đỗ ăn cùng bánh đa… Hến là thực phẩm sạch, được làm thủ công hoàn toàn và sống trong môi trường tự nhiên nên ngày nay, nó đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn. Nhiều người dân Hà Tĩnh đi xa vẫn không quên được hương vị ngọt mát của đặc sản quê nhà nên hến Đức Thọ còn theo chân người đi nhiều tỉnh, thành khác.
Những món ngon từ thủy, hải sản đã góp phần tạo nên thương hiệu cho ẩm thực Hà Tĩnh, ẩn chứa trong đó những giá trị văn hóa của từng vùng miền là nét độc đáo thu hút du khách gần xa.