Hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa xuân ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh nhấn mạnh, tình trạng đốt rơm rạ không chỉ gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật có ích, hệ sinh thái ruộng lúa mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Lúa vụ Xuân 2025 đang giai đoạn thu hoạch, qua kiểm tra thực tiễn trên đồng ruộng, tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn xảy ra tại các địa phương như: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật có ích, hệ sinh thái ruộng lúa; làm bốc hơi nước trong đất và lâu dài có thể gây hiện tượng đất chai cứng, nghèo dinh dưỡng; ngoài ra, tình trạng đốt rơm rạ còn gây ô nhiễm môi trường không khí (bụi, khói) ảnh hưởng đến sinh hoạt dân cư nông thôn, đô thị, làm mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường; nhiều đám cháy lan rộng tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát an toàn cháy nổ trên địa bàn.

Lúa vụ Xuân 2025 ở Hà Tĩnh đang giai đoạn thu hoạch rộ.

Để hạn chế các hệ luỵ đến sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến tận tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, xóm, các hộ gia đình, người dân sản xuất nông nghiệp về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, đối với sức khoẻ người dân, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và hệ luỵ đối với sản xuất nông nghiệp; yêu cầu các hộ sản xuất nông nghiệp sau khi thu hoạch không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa trên đường; không đốt rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí, nguy cơ mất an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ; không thải bỏ rơm rạ bừa bãi xuống kênh tưới, tiêu thủy lợi làm tắc nghẽn dòng chảy.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân về việc thu gom, xử lý, bảo quản, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch; về vai trò, tầm quan trọng của rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; theo dõi, khuyến khích, đôn đốc bà con nông dân trên địa bàn áp dụng các biện pháp thu hồi, xử lý, sử dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp vào các mục đích có ích, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch xảy ra từ nhiều năm nay. Ảnh tư liệu

Hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp cho người dân các thông tin, giải pháp kỹ thuật thu gom, bảo quản, xử lý rơm rạ sau thu hoạch như: vùi rơm rạ sau khi gặt để cải tạo đất, tăng độ mùn, giảm phân hóa học sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ làm thức ăn gia súc hoặc phân bón hữu cơ; các biện pháp bảo quản để dự trữ lâu dài làm chất độn chuồng, làm giá thể sản xuất nấm, che tủ gốc cây trồng; khuyến khích cơ giới hóa khâu thu gom, xử lý rơm rạ (máy cuộn rơm, máy vùi rơm rạ).

Tiếp tục thực hiện các nội dung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường trước đây, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường về hướng dẫn thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.

Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Môi trường; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói