Bé Nguyễn Đức Lâm là con trai đầu của chị Phúc
“Nếu nói không buồn, không suy sụp sẽ là nói dối, nhưng sau nỗi buồn sẽ là gì khi những đứa trẻ với một tâm hồn đặc biệt đang cần cha mẹ, nhất là sự mềm mại và nhẫn nại của mẹ để cùng chúng lớn lên. Vậy nên tôi chỉ còn cách mạnh mẽ hơn để cùng con mình chiến đấu, cùng con trưởng thành, dù chậm hơn các bạn” - chị Phúc trải lòng.
Bé Nguyễn Đức Lâm (8 tuổi) là con trai đầu của chị Phúc. Nhìn bé trai với gương mặt khôi ngô, hoạt bát đang ngồi xếp hình đồ chơi, không ai nghĩ cháu là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ (tăng động, giảm chú ý, gặp khó khăn về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp) và đang trên con đường hòa nhập với cộng đồng.
Từ khi 2 tuổi, Lâm chưa biết nói. Lâm không thích chơi với ai, ai gọi Lâm cũng không thưa, nhưng ở trong nhà với mẹ, mẹ gọi đến câu thứ 2 là Lâm quay lại. Lâm thích đưa võng nhanh, sợ động vật. Lâm thích nhìn bánh xe quay tròn, thích được mẹ Phúc chở đi bằng xe máy…
Nói về chuyện của Lâm, đôi mắt người mẹ đượm buồn: “Đến lúc Lâm lên 3, bé vẫn chưa nói được rõ ràng, thường ngồi một mình nói những từ vô nghĩa. Thời điểm đó, mình lại mới sinh bé thứ 2 nên cũng chưa dành thời gian nhiều cho Lâm, mọi người động viên rằng cháu chỉ chậm nói thôi, nhưng không ngờ đến lúc đưa con đi khám thì đã qua giai điểm vàng điều trị cho bé”.
Gần 5 năm rong ruổi khắp các bệnh viện, trung tâm dành cho trẻ hòa nhập, hành trình của mẹ Phúc và bé Lâm thật lắm gian nan. Biết con mắc bệnh, chị Phúc từ bỏ công việc của mình để tập trung chăm sóc, đưa con đi chạy chữa. Từng chuyến xe bus mẹ dắt Lâm đi vào mỗi sáng sớm chỉ để ra một trung tâm chữa bệnh tự kỷ ở TP Hà Tĩnh chữa trị đúng 1 giờ đồng hồ rồi hai mẹ con lại về. Rồi hành trình của gia đình 4 người phải khăn gói ra tận TP Vinh (Nghệ An) thuê trọ để chữa trị cho Lâm suốt 2 năm, khi em gái Lâm vẫn còn ẵm ngửa.
Chị Phúc kể: “Năm 2016, khi quyết định ra một trung tâm chữa bệnh tự kỷ ở TP Vinh chữa trị cho Lâm, vợ chồng chúng tôi đã bàn tính kỹ, dù có phải bán nhà cũng phải chạy chữa cho con. Bố Lâm ra đó xin phụ việc sửa xe, còn tôi vừa chăm em bé vừa đưa Lâm tới trung tâm học kỹ năng cho trẻ hòa nhập.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng cũng rất may mắn, trong khoảng thời gian đó, gia đình tôi cũng được nhiều người giúp đỡ, từ họ hàng, các bác hàng xóm, cô giáo, từ các cô chú xe bus đến bác lái xe ôm… Chúng tôi luôn mang ơn họ. Họ không xem Lâm là người khác biệt hay kỳ thị con. Những điều giản dị vậy thôi đã khiến tôi rất ấm lòng và thêm vững tin trong hành trình đưa con hòa nhập cộng đồng…".
Theo chân 2 mẹ con đến trung tâm dành cho trẻ hòa nhập, đôi tay Lâm không chịu rời mẹ Phúc. Ôm con trai vào lòng, chị nhẹ nhàng: “Con vào lớp đi, không có gì phải sợ, mẹ ở ngay ngoài này, học xong rồi mẹ đưa con về!”.
Hơn 8 tuổi, Lâm vẫn đang học lớp 1. Một buổi đi học can thiệp tại trung tâm và buổi để dành cho Lâm học hòa nhập với các bạn bình thường. Nhớ lại quãng thời gian chạy ngược xuôi xin cho Lâm học lớp 1, mẹ Phúc không khỏi rơi nước mắt: “Lâm hiện học tại một điểm lẻ của Trường Tiểu học Kỳ Thư (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cách nhà tầm 8 km. May mắn, nhà trường đã tạo điều kiện cho cô giáo từ trung tâm dành cho trẻ tự kỷ đi kèm cùng cháu đến lớp. Rất mừng, sau những nỗ lực của gia đình và các thầy cô, Lâm đã tự chăm sóc vệ sinh cá nhân, đôi lúc còn giúp mẹ lau nhà. Lâm đã biết viết chữ và đọc được, tuy chậm hơn rất nhiều so với các bạn khác, nhưng với tôi như thế đã là một thành công…”.
Người mẹ trẻ này đều đã đi qua những ngày tháng suy sụp, bất ổn, đã chấp nhận, vui với thế giới đặc biệt của con mình. Nhưng, nhắc tới tương lai, nỗi niềm của chị lại vỡ òa.
Rời công việc vệ sinh buồng phòng ở khách sạn đã mấy năm nay, vì tiền chạy chữa cho Lâm rồi nuôi con gái thứ 2, hai vợ chồng chị hết sức chật vật. Chị Phúc buộc phải quay trở lại công việc để kiếm thêm thu nhập phụ giúp chồng nuôi các con. Chị biết, Lâm khó có thể học hết cấp 2, điều người mẹ này lo lắng ai ở bên Lâm, sau này Lâm làm gì để sống, khi bố mẹ già đi thì Lâm sống dựa vào đâu?
“Chỉ mong con khỏe mạnh, may mắn sau này đỡ hơn có thể theo học nghề ở một trường dành cho trẻ khuyết tật, để Lâm có thể tự lo được cho bản thân…” - chị Phúc chia sẻ.
Có lẽ Lâm sẽ còn mất rất nhiều thời gian để hiểu hết được những mong mỏi của mẹ Phúc. Nhưng tình yêu em dành cho mẹ là mãi tròn đầy.
Đó là niềm an ủi và là nguồn năng lượng vô bờ của chị Phúc nói riêng, các bà mẹ có con tự kỷ nói chung. Bởi dù có hoàn cảnh ra sao, giàu nghèo thế nào thì họ vẫn luôn là một tinh cầu cho hoàng tử bé của mình trú ẩn suốt đời.
Mặc dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Tĩnh tăng khá nhanh. Trước đây, trẻ tự kỷ phần lớn xuất hiện ở khu vực thành thị, nhưng hiện nay, ở khu vực nông thôn trên toàn tỉnh cũng đã có rất nhiều bé bị tự kỷ.
Theo nhận định của tôi, trong thời gian tới, tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ ngày một gia tăng, đòi hỏi trước hết là gia đình cần hết sức quan tâm chú ý đến con mình để phát hiện sớm. Ngoài vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường, cần có sự chung tay của cả xã hội trong việc tạo tâm lý, môi trường để hỗ trợ trẻ tự kỷ chữa trị bệnh, hòa nhập cộng đồng.