Hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngang nhiên lấn chiếm, xây công trình kiên cố

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm qua, không ít tuyến kênh dẫn nước, các tuyến đê, hồ chứa, đập nước trên địa bàn Hà Tĩnh phục vụ tưới tiêu bị lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong công việc nạo vét, duy tu sửa chữa hoặc cứu hộ đê điều.

Hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngang nhiên lấn chiếm, xây công trình kiên cố

Lòng kênh N1 Đá Hàn (đoạn qua xã Hòa Hải - Hương Khê) bị người dân lấn chiếm để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Tuyến kênh N1 Đá Hàn qua địa phận xã Hòa Hải (Hương Khê) không chỉ ô nhiễm nặng mà còn bị người dân lấn chiếm vô tội vạ... Vậy nên, dù đơn vị thi công tuyến kênh đã hoàn thành xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thể bàn giao cho công ty thủy lợi để vận hành, tưới tiêu. Đoạn cuối kênh N1 Đá Hàn qua xã Phúc Đồng đến nay vẫn chưa được bê tông hóa vì chưa hoàn thành công tác GPMB. Theo thống kê, trên hệ thống thủy lợi đập Đá Hàn có 241 hộ vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Anh - cán bộ Phòng Quản lý khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay: “Từ khi tuyến kênh được nâng cấp, có nhiều hộ dân lấn chiếm trái phép, xây dựng công trình trên lòng kênh. Việc làm này gây khó khăn trực tiếp cho chúng tôi trong việc điều tiết nước sản xuất. Nghiêm trọng hơn, khi có sự cố xảy ra, chúng tôi cũng không thể sửa chữa, khắc phục do miệng kênh đã bị bịt kín”.

Hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngang nhiên lấn chiếm, xây công trình kiên cố

Việc lấn chiếm kênh mương làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong công việc nạo vét, duy tu sửa chữa hoặc cứu hộ.

Tại TP Hà Tĩnh, với khu vực đô thị, đông dân cư, tình trạng lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi càng nghiêm trọng hơn. Riêng tuyến kênh N19-11 qua phường Đại Nài, có khoảng 700m kênh kéo dài từ khu vực Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài đến QL 1A bị người dân lấn chiếm để xây dựng các công trình phụ, kiên cố. Nhiều đoạn hoàn toàn bị “mất dấu”, chỉ những người chuyên trách công tác thủy lợi mới hình dung được dòng kênh đang bị các công trình phủ lấp.

Tuyến kênh này khi qua phường Thạch Quý cũng gặp tình trạng tương tự, phần chạy dọc theo đường Nguyễn Công Trứ đoạn từ đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về phía xã Thạch Hạ cũng đang bị “bức tử”.

Khảo sát tại tuyến kênh Giữa (xã Yên Lộc, Can Lộc) có khoảng 10 hộ dân lấn chiếm bằng các công trình kiên cố. Một số người dân phân minh, đây chỉ là các công trình tạm, phục vụ mục đích nuôi cá, chăn nuôi gia cầm, phát triển kinh tế.

Cũng tại Can Lộc, trên đập Cù Lây (xã Thuần Thiện) có một số hộ xây dựng nhà chăn nuôi sát ngay bờ đập. Tình trạng này diễn ra từ năm 2017, mặc dù Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cũng như chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, song đến nay vẫn chưa thể giải tỏa.

Hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh (bài 2): Ngang nhiên lấn chiếm, xây công trình kiên cố

Nhiều đoạn kênh ở khu vực TP. Hà Tĩnh bị người dân lấn chiếm để xây dựng các công trình phụ, kiên cố đến mức gần như hoàn toàn “mất dấu”.

Có thể khẳng định rằng, tình trạng lấn chiếm trái phép công trình thủy lợi diễn ra ở nhiều địa phương và đến nay chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Theo ghi nhận, không chỉ hành lang an toàn của kênh mà ngay cả lòng kênh cũng bị người dân lấn chiếm để xây dựng công trình kiên cố như: Chuồng trại chăn nuôi, sân bãi, cửa ngõ, hàng rào… Qua trao đổi, phần lớn người dân địa phương nhận thấy việc lấn chiếm là sai, tuy nhiên, với tâm lý “lấn tý chắc không ảnh hưởng nhiều” nên cứ “tích tiểu thành đại”. Điều nguy hại hơn là, thấy người này làm được thì người khác cũng làm theo. Lâu dần, cả tuyến kênh đều xảy ra tình trạng bị lấn chiếm.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Phúc thì trên gần 500 km kênh chính thuộc đơn vị quản lý, hầu hết đều xảy ra tình trạng lấn chiếm, chưa kể hàng nghìn km kênh mương nhánh khác. Đặc biệt, trên tuyến kênh Linh Cảm (qua huyện Đức Thọ và Can Lộc), không ít hộ dân đã xây dựng nhà ở hoặc công trình phụ, còn việc trồng cây trên hành lang kênh thì diễn ra rất phổ biến.

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh và 4 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, có 886 vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi (số liệu tính đến cuối năm 2018).

Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Quản lý - Khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, theo Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, người vi phạm sẽ buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu và bị xử phạt tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Tin liên quan:

(còn nữa)

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.