Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

(Baohatinh.vn) - Với nguồn vốn 303 tỷ đồng, kết hợp với nguồn điều tiết từ Ngân hàng HTX Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh (10 tỷ đồng), các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) ở Lộc Hà đang tiếp sức cho hơn 2.100 hộ dân vay phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, xuất khẩu lao động.

Lúc khó khăn đã có vốn quỹ tín dụng nhân dân

Sau trận lụt lịch sử tháng 10 năm 2020, anh Nguyễn Xuân Bắc (thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ) cùng 11 hộ nuôi trồng thủy sản có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn gặp khó khăn trong huy động vốn để cải tạo ao hồ, phục vụ tái sản xuất. Để giải quyết khó khăn, họ đã tìm đến Quỹ TDND Hộ Độ.

Tại Quỹ TDND Hộ Độ, họ đã được tạo điều kiện thuận lợi nhất để được vay vốn sản xuất, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, đủ để trang trải những khoản cần thiết cho vụ tôm xuân hè. Hiện, tôm, cá đang phát triển tốt, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nên tất cả đều phấn khởi.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Nguồn vốn từ Quỹ TDND Hộ Độ đã giúp người nuôi trồng thủy sản giải quyết vấn đề vốn tái sản xuất sau thiên tai. (Trong ảnh: người dân thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ dọn ao hồ chuẩn bị nuôi tôm vụ xuân hè).

Là một trong những hộ buôn bán, chăn nuôi trâu bò lớn nhất huyện Lộc Hà nên trong giai đoạn dịch bệnh viêm da nổi cục hoành hành vừa qua, 3 anh em ruột Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Hoan ở thôn Báo Ân, xã Thạch Mỹ khá lao đao.

Trong bối cảnh trâu, bò mua về khó bán, hoạt động kinh doanh không có lãi, hơn 70 con bò nuôi nhốt thiếu tiền thức ăn… thì Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ luôn đồng hành cùng họ trong lúc khó khăn nhất.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Ngoài 150 con bò thịt, ba anh em anh Nguyễn Văn Chiến (ở xã Thạch Mỹ) còn có 70 con bò nuôi nhốt nên việc sử dụng 1,5 tỷ đồng vay từ Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ đã giúp họ vơi bớt khó khăn trong “bão dịch”.

Anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Ba anh em chúng tôi liên kết mua trâu, bò giống, thịt ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh về vừa nuôi vừa bán cho người dân trong vùng. Từ nhiều năm nay, Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ là địa chỉ chúng tôi luôn tìm đến để bổ sung thêm nguồn vốn làm ăn. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua thì việc sử dụng nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng từ kênh này thì càng thêm phần ý nghĩa”.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Bà Trần Thị Tứ (thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim) được vay 300 triệu đồng từ Quỹ TDND liên xã Thạch Kim - Thạch Bằng để đầu tư kho đông lạnh. (ảnh tư liệu).

Không chỉ có các hộ nêu trên mà hiện nay, đang có 2.100 hộ dân ở các xã vùng biển cửa Lộc Hà được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng dư nợ 313 tỷ đồng.

Nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng này đã giúp người dân ở các xã Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà, Thạch Mỹ, Mai Phụ và Hộ Độ có thêm nguồn lực để tránh xa tín dụng “đen”, từng bước phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, xuất khẩu lao động, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ và nông cụ, làm nhà cửa, mua đất ở cho con và thực hiện các hoạt động dân sinh khác.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân khởi nghiệp

Dù “sinh sau, đẻ muộn” và đóng chân trên địa bàn khó khăn, nhưng 5 năm qua, Quỹ TDND Hộ Độ đã huy động được 55 tỷ đồng để cho hơn 300 hộ dân vay với tổng dư nợ gần 52 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Diên - Giám đốc Quỹ TDND Hộ Độ cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp trong huy động vốn, mở rộng cho vay, đơn giản hóa thủ tục, chăm sóc khách hàng, định hướng sử dụng nguồn vốn… để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cũng như chất lượng hoạt động của quỹ”.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Ngoài huy động nguồn lực, mở rộng đối tượng vay, cải thiện thủ tục vay... thì Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ còn chuẩn bị đưa nhà làm việc (trị giá hơn 2 tỷ đồng) vào hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ có 2.350 thành viên tham gia. Hiện tổng huy động vốn của quỹ đạt 151 tỷ đồng, cho hơn 1.000 hộ vay với dư nợ 141 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ TDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ Trịnh Đình Hương khẳng định: “Chúng tôi vẫn chưa hài lòng với các con số nên thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động. Trên tinh thần phục vụ Nhân dân là chính, chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành một địa chỉ tín dụng đáng tin cậy, những ai dư dả đến gửi, mọi người khó khăn đều có thể đến vay. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ vì mục tiêu chung”.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Không chỉ lúc dư dả mà những lúc khó khăn, cần nguồn vốn thì người dân đều tìm đến QTDND liên xã Thạch Mỹ - Mai Phụ.

Cùng với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn Lộc Hà, Quỹ TDND liên xã Thạch Kim - Thạch Bằng đã huy động được 97 tỷ đồng và đang cho hơn 800 khách hàng vay với dư nợ đạt 120 tỷ đồng.

Một trong những cách làm hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân, ngoài việc tập trung huy động tiền gửi trong dân (năm 2020 tiền gửi tăng 145%, 5 tháng đầu năm nay tăng 11%), Quỹ TDND liên xã Thạch Kim - Thạch Bằng còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh.

Theo Giám đốc Ngô Thị Thăng, quỹ phấn đấu đến cuối năm nay đạt 100 tỷ đồng tiền gửi và 135 tỷ đồng tiền vay.

Hệ thống quỹ TDND ở Lộc Hà “bơm” 313 tỷ đồng giúp 2.100 hộ khởi nghiệp

Khách hàng ở Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà tìm đến Quỹ TDND để vay vốn sản xuất, kinh doanh...

Ông Dương Đức Toàn - Trưởng phòng Tài chính huyện Lộc Hà đánh giá: “Các quỹ tín dụng trên địa bàn huyện Lộc Hà đang hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng, phát huy tốt vai trò của mình và đang ngày càng lớn mạnh. Ngoài thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong Nhân dân, các đơn vị tín dụng này cũng tạo được nguồn vốn vay dễ tiếp cận, phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, cải thiện đời sống, thúc đẩy KT-XH các địa phương phát triển”.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.