Hệ thống quỹ tín dụng “bơm vốn” cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn của các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn đã giúp người dân nông thôn Hà Tĩnh xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Cùng với hệ thống ngân hàng, các quỹ TDND trên địa bàn được xem là “cánh tay nối dài”, mang nguồn vốn đến với người dân, nhất là khu vực nông thôn để đầu tư sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Đóng chân tại địa bàn các xã, phường, thị trấn, gần gũi với Nhân dân chính là “lợi thế” để các quỹ phát triển dư nợ.

Gần 20 năm hoạt động, Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đã trở thành “điểm tựa” cho người dân nông thôn các xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch và Cẩm Vịnh phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Hệ thống quỹ tín dụng “bơm vốn” cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

Mô hình kinh doanh thực phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (áo đỏ) (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Mô hình kinh doanh thực phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (thôn Đồng Bàu – xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) được Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành “tiếp sức” từ những ngày đầu thành lập. Hơn chục năm vay vốn của quỹ để không ngừng đầu tư hệ thống kho đông dự trữ, mua sắm phương tiện vận chuyển hàng hóa, đến nay, gia đình chị Loan đã đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương khá.

Chị Nguyễn Thị Loan nhớ lại: “Những ngày mới bắt tay vào kinh doanh, nguồn vốn hạn hẹp, không đủ để đầu tư mở rộng quy mô. Lúc đó, Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành đã tạo điều kiện linh hoạt về hồ sơ thủ tục, cho vay vốn phát triển mô hình theo hướng hàng hóa. Gia đình tôi vừa tất toán khoản vay cũ trên 700 triệu đồng và đang làm thủ tục để tiếp cận gói vay mới tại Quỹ để đầu tư làm ăn”.

Cũng nhờ gần dân, tiếp cận nhu cầu vay vốn của từng hộ dân một cách kịp thời cùng với việc thiết kế các gói vay hỗ trợ khách hàng trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành đã tăng trưởng được dư nợ nhanh chóng.

Hệ thống quỹ tín dụng “bơm vốn” cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

Dư nợ của Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) hiện đạt 263 tỷ đồng với trên 1.400 khách hàng vay vốn.

Bà Dương Thị Huyền – Giám đốc Quỹ TDND liên xã Cẩm Thành cho biết: “Tháng 7/2021, quỹ đã trích riêng 1 gói cho vay trị giá 50 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 0,4%/tháng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng đại dịch có thể phục hồi sản xuất – kinh doanh. Gói vay này đã thu hút nhiều khách hàng tham gia, đẩy dư nợ của quỹ lên 263 tỷ đồng với trên 1.400 khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, xuất khẩu lao động… Nhìn chung, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần hình thành các mô hình kinh tế, nâng cao đời sống người dân và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn”.

Tuy mới đi vào hoạt động được 6 năm, song Quỹ TDND liên xã Thạch Hà (đóng tại xã Thạch Long) cũng đã nhanh chóng tạo lập được niềm tin của người dân các xã Thạch Long, Thạch Sơn. Từ đó, mở rộng kênh vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh như: chăn nuôi, dịch vụ thương mại, nuôi trồng thủy sản...

Hệ thống quỹ tín dụng “bơm vốn” cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Tiến Lục (xã Thạch Sơn) được Quỹ TDND liên xã Thạch Hà “tiếp sức”.

Ông Nguyễn Tiến Lục (thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn) cho hay: “Gần nhà, giao dịch thuận tiện, lãi suất cho vay hợp lý nên gia đình tôi đã nhiều lần tiếp cận vốn vay từ Quỹ TDND liên xã Thạch Hà để đầu tư nuôi cá mú, cá chẽm… Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, chúng tôi đã mở rộng quy mô nuôi trồng, mang về lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, sức tiêu thụ mặt hàng thủy hải sản giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu, quỹ đã tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên chúng tôi cũng giảm bớt áp lực".

Được biết, toàn tỉnh hiện có 32 quỹ TDND được cấp phép thành lập và hoạt động với trên 56.000 thành viên, trong đó có 23 quỹ TDND hoạt động trên địa bàn liên xã, phường, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Khối quỹ TDND trên địa bàn hoạt động cơ bản ổn định, đúng tôn chỉ mục đích, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng. Đặc biệt, các quỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là khu vực nông thôn tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất – kinh doanh, “tiếp sức” cho hàng nghìn mô hình kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và hạn chế “tín dụng đen”. Đến 31/3/2022, dư nợ của hệ thống quỹ TDND đạt 4.039 tỷ đồng, tăng 3,23% so với đầu năm”.

Hệ thống quỹ tín dụng “bơm vốn” cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh hiện có 32 quỹ TDND được cấp phép thành lập và hoạt động với trên 56.000 thành viên.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, không chỉ hỗ trợ về vốn mà trong giai đoạn doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tác động xấu đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, hệ thống Quỹ TDND cũng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp “gỡ khó” cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; từ đây đã tiếp thêm động lực để khách hàng tiếp tục đầu tư, phục hồi phát triển sau đại dịch.

Lũy kế từ ngày 13/3/2020 đến nay, hệ thống quỹ TDND đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 128,75 tỷ đồng cho 678 khách hàng; thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị là 47,29 tỷ đồng cho 323 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 515 triệu đồng.

Ngoài ra, các quỹ cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/3/2022 đạt 624,51 tỷ đồng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Trước tình hình phụ tải điện tăng cao trong mùa nắng nóng, các nhà máy sản xuất điện ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các giải pháp vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Dồn sức những công đoạn cuối dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sau thời gian thi công, đến nay, Dự án đường bộ Cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng để ngày 19/4 thông xe kỹ thuật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây Dựng.
Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Tài chính thị trường ngày 17/4: Vì sao sữa “bẩn” lưu hành nhiều năm trên thị trường mà không bị phát hiện?

Đại diện Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải cụ thể về việc một lượng lớn sản phẩm sữa giả "tuồn" ra thị trường trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 17/4 của Báo Hà Tĩnh.
Hải sản dồi dào trước mùa du lịch biển

Hải sản Hà Tĩnh dồi dào đón mùa du lịch biển

Những ngày qua, thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản. Hải sản dồi dào, giá bán tăng khá nên ngư dân phấn khởi vươn khơi, bám biển. Đặc biệt, hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển nên sức tiêu thụ các loại hải sản cũng bắt đầu tăng.
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài cuối): Quyết liệt bứt phá, cùng cả nước vươn mình

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Để về đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị lớn đang đặt ra, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp Hà Tĩnh cùng đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực khai thác tối đa mọi cơ hội...”.